Vì vậy, trong bối cảnh người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm thân thiện môi trường và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, logistics xanh ngày càng được quan tâm và đầu tư một cách chuyên nghiệp. Nắm bắt xu hướng này, doanh nghiệp logistics đang từng bước tham gia hỗ trợ sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như xuất, nhập khẩu với những tiêu chí xanh để hướng tới phát triển bền vững.
Xu hướng tất yếu
Là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 14-16%/năm, chất lượng dịch vụ được nâng cao, đóng góp quan trọng cho hoạt động xuất, nhập khẩu cũng như chuỗi cung ứng cho thương mại nội địa.
Đáng nói, Chính phủ đã xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngành logistics Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi để phát triển bởi nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch về lĩnh vực này.
Cùng với đó, xu hướng đầu tư vào ngành logistics đang tăng nhanh, thể hiện qua các công trình hạ tầng như đường cao tốc, đầu tư sân bay Long Thành, mở rộng các cảng biển, xây dựng các trung tâm logistics mới.
Hơn nữa, khi doanh nghiệp nước ngoài nhận thấy thị trường logistics của Việt Nam đem lại lợi nhuận cao, tốc độ và dòng vốn đổ vào ngành logistics sẽ rất lớn. Đầu tư gia tăng cũng tạo ra sự chuyển biến về mặt hạ tầng và kinh doanh dịch vụ có điều kiện phát triển tốt hơn.
Thế nhưng, năm 2023 sẽ rất khó khăn bởi thế giới đang trong tình trạng suy thoái và lạm phát, dẫn đến sự sụt giảm về hoạt động thương mại, kéo theo đó là logistics.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải có nhận thức và đổi mới về xu hướng xanh hóa trong logistics. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ tăng thêm những tiêu chuẩn cao hơn đối với hàng hóa, hoạt động kinh doanh và chi phí gia tăng.
Phân tích từ các chuyên gia, mặc dù giữ vị trí quan trọng trong chuỗi sản xuất, thương mại nhưng logistics lại là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường đáng kể khi hoạt động vận chuyển hàng hóa chiếm tới khoảng 8% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới. Vậy nên, phát triển logistics xanh là xu hướng tất yếu và là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển bền vững của ngành.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trung bình mỗi năm, hoạt động vận tải tại Việt Nam phát thải khoảng 30 triệu tấn CO2; trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Lượng phát thải này được dự báo sẽ tăng trung bình 6-7% mỗi năm; đồng thời, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đang bị đánh giá cao hơn nhiều so các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới (1.090 gam CO2/GDP).
Chính vì thế, mục đích của logistics xanh là tối ưu hóa mối liên hệ giữa việc vận hành kho, phân phối hàng hóa và môi trường tự nhiên. Qua đó, phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm giảm tính sẵn có và chất lượng tài nguyên.
Cốt lõi của xu hướng này là việc áp dụng biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị mà vẫn bảo đảm nhu cầu đặt ra với quá trình sản xuất và đời sống. Do đó, logistics xanh là mục tiêu đang được nhiều quốc gia trên thế giới theo đuổi.
Trợ lực cho doanh nghiệp
Nhận định từ các chuyên gia, nếu không thực hiện được các tiêu chí về môi trường và logistics xanh, trong tương lai doanh nghiệp sẽ dần bị đào thải ra khỏi các hoạt động kinh doanh và thương mại.
Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã và đang hưởng ứng với xu hướng logistics xanh, lan tỏa thông điệp ý nghĩa về môi trường và thực hiện chiến lược phát triển bền vững.
Chẳng hạn như, Kho lạnh Nam Hà Nội là một trong những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho lạnh hưởng ứng sớm nhất đã đạt danh hiệu Năng lượng xanh Hà Nội 3 sao do UBND thành phố Hà Nội trao tặng.
Từ khi hoạt động đến nay, Kho lạnh Nam Hà Nội luôn giữ vững vai trò trung tâm logistics đông lạnh với hệ thống kho lạnh đạt chuẩn quốc tế. Với dịch vụ đóng gói hàng hóa và sử dụng màng bọc dễ phân hủy được làm từ nguyên liệu bao bì đơn giản nhất, có thể phân hủy trong tự nhiên.
Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên đánh giá hoạt động gây hư hại hàng hóa và những điểm chưa tốt, chưa đúng trong quá trình vận chuyển có tác động trực tiếp tới ô nhiễm môi trường. Kiểm soát mọi yếu tố gây tăng giảm nhiệt độ, thất thoát hơi lạnh, hư hỏng thực phẩm khi hàng hóa được bảo quản trong kho lạnh.
Tương tự, Tân Cảng-Cát Lái tại Tp. Hồ Chí Minh là cảng đầu tiên đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng Mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Với kinh nghiệm xanh hóa cảng biển của doanh nghiệp là ứng dụng công nghệ 4.0, thay thế thiết bị nâng hạ sử dụng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện (tiết kiệm khoảng 1,5-2 triệu USD phí nhiên liệu/năm).
Hơn nữa, tăng cường vận tải thủy với sức chở cùng lúc được 3.000 TEU thay thế được khoảng 2.000 ôtô chở container; áp dụng chứng từ điện tử giúp thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút xuống còn 6 phút…
Hay như mô hình "Bưu cục di động" của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã cắt giảm được các khâu trung gian, giảm 15% quãng đường vận chuyển và số lượng xe trung chuyển. Đặc biệt, Viettel Post cũng triển khai giải pháp lắp đặt điện mặt trời cho hệ thống kho chia chọn phân phối để cung cấp năng lượng cho thiết bị chiếu sáng, máy điều hòa nhiệt độ…
Phát triển logistics xanh là xu hướng tất yếu, đồng thời là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển bền vững của toàn ngành logistics. Tuy nhiên, để xanh hóa ngành logistics, ông Đào Trọng Khoa- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics (VLA) kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ ngành logistics nguồn vốn để phát triển công nghệ, chuyển đổi số trong khuôn khổ chương trình hành động quốc gia về logistics.
Bởi, trong bối cảnh mới cần có năng lực quản lý dòng hàng hóa quốc tế và có thể cạnh tranh cần sớm triển khai hệ thống so tính năng kỹ thuật cao nhằm tham gia tốt hơn vào nền tảng giao nhận vận tải toàn cầu đang vận hành.
Đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải cho rằng, thời gian tới cần nâng cao ý thức, chung tay kiến tạo hệ sinh thái logistics xanh, chuỗi cung ứng bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối hàng hóa.
Cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tăng tính chủ động về nguồn nguyên liệu, chú trọng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, tránh xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa sơ chế, có khối lượng lớn nhưng giá trị thấp.
Mặt khác, doanh nghiệp cần phối hợp nghiên cứu, xây dựng các bộ chương trình đào tạo chuẩn, chuẩn hóa với vị trí công việc trong ngành logistics; xây dựng khóa học chuyên sâu, bổ sung, cập nhật kiến thức quản trị nhân lực xanh gắn với logistics và quản trị chuỗi cung ứng xanh.