Tuyên Quang: Khẩn trương khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 2

Liên tiếp trong các ngày từ 10 - 13/8, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã xuất hiện mưa to, kèm dông, với lượng mưa nhiều nơi trên 100 mm/24 giờ gây thiệt hại về người, nhà ở, tài sản và hoa màu của người dân ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang.

Chú thích ảnh
 Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Tuyên Quang, mưa to, kèm dông đã làm hư hỏng 4 nhà dân. Một cháu nhỏ (H.K.A, sinh năm 2016) ở thôn 8, xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang bị lũ cuốn trôi khi đi qua đập tràn tại thôn 15, xã Kim Phú. Hiện thi thể của cháu đã được tìm thấy cách khu vực bị nước cuốn trôi khoảng 100 m.

Ngoài ra, mưa lũ còn làm gần 40 ha lúa, ngô, hoa màu của người dân bị ngập úng; một số tuyến đường liên thôn, xã bị sạt lở. Cụ thể, tuyến đường xã từ đèo Tượng đi đèo Trám, xã Công Đa, huyện Yên Sơn bị sạt lở ta-luy dương khoảng 400 m3; đường giao thông thôn tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương bị sạt lở ta-luy dương khoảng 100 m3…

Ngay sau khi thiệt hại xảy ra, UBND các huyện Sơn Dương, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, phụ trách xuống các xã bị thiệt hại nắm tình hình và thống kê, cập nhật tình hình thiệt hại; chỉ đạo lực lượng xung kích thực hiện san, hót đất ta-luy bị sạt lở đảm bảo giao thông đi lại của người dân, đồng thời huy động lực lượng tại chỗ để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về nhà ở, ổn định cuộc sống.

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, ngày 13/8, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn tiếp tục có mưa to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương, Yên Sơn.

Trước đó, nhằm chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng, thấp thường xuyên xảy ra ngập úng triển khai lực lượng xung kích ở cơ sở để sẵn sàng phương án ứng phó, chủ động di chuyển nhân dân tại nơi có nguy cơ cao đến nơi an toàn; đồng thời kiểm tra, rà soát và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình giao thông, thủy lợi (đặc biệt là các công trình đang có sự cố, đang thi công, hồ chứa đã tích đầy nước, cầu, ngầm, tràn, đê, kè, cống dưới đê); bố trí lực lượng thường trực 24/24h để tiếp nhận và xử lý kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra. Khi có thiên tai xảy ra phải chủ động sử dụng ngân sách dự phòng cấp huyện để khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân sớm ổn định đời sống, sản xuất; báo cáo, đề xuất kịp thời với UBND tỉnh Tuyên Quang các trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết.

Ngoài ra, UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Tuyên Quang và các cơ quan có phương án bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu; hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các cầu, đập tràn khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục nhanh nếu xảy ra sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.

Vũ Quang (TTXVN)
Hải Dương: Chủ động bảo vệ khu vực đê trọng yếu trong mùa mưa bão
Hải Dương: Chủ động bảo vệ khu vực đê trọng yếu trong mùa mưa bão

Chiều 12/8, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại một số điểm thuộc tuyến đê sông Thái Bình, địa phận huyện Thanh Hà và huyện Tứ Kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN