Tròn 50 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới do lây nhiễm trong cộng đồng

Tính đến 18 giờ ngày 5/6, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, có thêm 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và đã tròn 50 ngày không có ca mắc mới COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 8.143 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 83 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 6.964 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.096 người.

Chú thích ảnh
Đón người dân về nước cách ly phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 10 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 3 ca.

Chú thích ảnh
Thống kê bệnh nhân COVID-19.

Ngày 5/6, Việt Nam có thêm 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, trong đó có 3 trường hợp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là BN293 (30 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam); BN302 (25 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam); BN320 (29 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam) và 2 bệnh nhân tại Bệnh viện nhiệt đới Hải Dương là BN 314 (62 tuổi, nữ, quốc tịch Việt Nam, vào viện ngày 16/5/2020); BN 325 (34 tuổi, nữ, quốc tịch Việt Nam, vào viện ngày 24/5/2020). 

Hiện tại, sức khỏe của các bệnh nhân đều ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Những trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Như vậy, tính đến hiện tại, Việt có tổng số 307 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi; vẫn còn 21 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế, đa số có sức khoẻ ổn định.

Tất cả người có công, hộ nghèo tại TP Hồ Chí Minh đã nhận hỗ trợ 

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện hỗ trợ kịp thời cho 3 nhóm đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn, với tỉ lệ hỗ trợ đạt 100%.

Các nhóm đối tượng được hỗ trợ gồm: Nhóm người có công với hơn 32.000 người được nhận hỗ trợ tổng số tiền gần 5 tỷ đồng; nhóm bảo trợ xã hội có 122.000 người đã nhận hỗ trợ 183 tỷ đồng và nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo đã hỗ trợ cho 107.000 người 85 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Người lao động nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết.

TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong việc thực hiện hỗ trợ kịp thời cho 3 nhóm đối tượng trên với tỷ lệ đạt 100%. Việc này thể hiện sự chăm lo kịp thời của Thành phố cho các đối tượng người có công, người khó khăn. Đây cũng là hành động nhân văn, nghĩa tình của TP Hồ Chí Minh và thực hiện đúng chủ trương "không bỏ lại ai phía sau.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đã hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương trong mùa dịch COVID-19 được 20.000 người, đạt tỷ lệ 45%. Đối với nhóm giáo viên mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ tư thục, TP Hồ Chí Minh đã giải quyết chế độ cho 9.000 người, đạt 70%; hỗ trợ 3.000 lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đạt 45%. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh cũng đã hỗ trợ cho hơn 23.000 người bán vé số dạo sinh sống trên địa bàn, đạt tỷ lệ 85%.

Ông Lê Minh Tấn cũng cho biết, hiện nay, đối với nhóm lao động tự do sinh sống trên địa bàn (đối tượng được hưởng gói an sinh xã hội 62.000 tỷ của Chính phủ), TP Hồ Chí Minh có khoảng 210.000 người. Tuy nhiên, Thành phố mới giải quyết được 70.000/140.000 người có hộ khẩu thường trú, đạt 50%; còn lại những lao động khác thuộc diện tạm trú, cũng đang được đẩy nhanh việc hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống.

Phát gạo miễn phí cho người dân khó khăn vì dịch COVID-19

Ngày 5/6, Cụm Đoàn khối các Cơ quan Trung ương khu vực phía Nam phối hợp với Công ty Dịch vụ Mobifone khu vực 2 tổ chức chương trình “ATM gạo lưu động” nhằm phát gạo miễn phí cho người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Chú thích ảnh
Người dân nhận gạo từ cây ATM gạo. Ảnh: Hồng Giang.

Chương trình diễn ra trong 18 ngày với 10 cây "ATM gạo" lưu động để hỗ trợ người nghèo được đặt tại 10 địa phương thuộc Thành phố Hồ Chí Minh gồm các Quận 7, 8, 9, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Phú và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè. Mỗi "ATM gạo" lưu động sẽ phát 1,2 tấn gạo để hỗ trợ tối thiểu 200 người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mỗi người dân nhận 6 kg gạo kèm gói cước C50 của Mobifone dùng để gọi nội mạng miễn phí.

Theo Ban tổ chức, để đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19, mỗi địa điểm nhận gạo đều có thiết bị kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, giữ xe và làn đường riêng cho từng người. Đoàn viên thanh niên cùng cán bộ, nhân viên Mobifone phối hợp để giữ gìn trật tự, hướng dẫn, hỗ trợ những người đến nhận gạo. "ATM gạo" được trang bị hệ thống cảm ứng thông minh thuận lợi cho người nhận gạo. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trang bị sẵn khẩu trang y tế trong trường hợp người đến nhận gạo không đeo khẩu trang.

Thông qua chương trình phát gạo miễn phí, với tinh thần “lá lành đùm lá rách", Ban tổ chức hy vọng giảm bớt được phần nào khó khăn cho các hộ nghèo, san sẻ gánh nặng cho cộng đồng trong thời điểm đời sống và kinh tế đất nước chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Hoạt động này cũng góp phần vào việc triển khai chương trình tình nguyện “San sẻ yêu thương, chung tay giúp đỡ đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vượt qua dịch COVID-19” do Đoàn Khối các Cơ quan Trung ương phát động; phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong các hoạt động, chương trình vì cộng đồng.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Sáng kiến phục hồi kinh tế ASEAN trong bối cảnh dịch COVID-19
Sáng kiến phục hồi kinh tế ASEAN trong bối cảnh dịch COVID-19

Sáng 5/6, khóa tập huấn “Tuyên truyền về Năm Chủ tịch ASEAN 2020” do Cục Báo chí tổ chức tại TP Hà Nội, tập trung vào thảo luận các sáng kiến phục hồi kinh tế ASEAN trong bối cảnh dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN