Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Việt Nam đã đưa 13 sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế cho năm Chủ tịch ASEAN 2020. Trong đó, có nhiều sáng kiến chủ đạo như: Xây dựng Lộ trình, giải pháp tiếp cận, thúc đẩy sản xuất thông minh cho các quốc gia Đông Nam Á; hướng dẫn ASEAN phát triển hệ sinh thái 5G trong ASEAN; áp dụng một giá cước chuyển vùng quốc tế trong ASEAN (giảm dần giá cước)…
Mục tiêu của các sáng kiến nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến đời sống kinh tế-xã hội; đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu, bao gồm thực phẩm, dược phẩm, vật tư y tế cho người dân các nước ASEAN; khắc phục sự gián đoạn, củng cố và xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững; tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế; thúc đẩy thương mại, đầu tư nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, để ASEAN trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Tại khóa tập huấn, nhiều chuyên đề được các cơ quan báo chí đặt câu hỏi trực tiếp về định hướng đưa tin như: Phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19, thông tin về hợp tác ASEAN trong trụ cột văn hoá-xã hội chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao lần thứ 36, 37...
Liên quan đến Thông tin về hợp tác ASEAN trong trụ cột văn hoá-xã hội, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, có mục tiêu xây dựng cộng đồng các dân tộc ASEAN hài hòa, đoàn kết, chia sẻ, hướng tới người dân và tạo dựng bản sắc chung của khu vực.
ASCC tại Việt Nam có sự tham gia rộng rãi và tích cực của 12 Bộ, ngành liên quan. ASCC 2020 đã đưa ra 4 sáng kiến quan trọng, gồm: Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghệ 4.0; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN; đẩy mạng quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững.
Với mục đích kịp thời cung cấp, định hướng thông tin cho các phóng viên, báo chí, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về công tác chuẩn bị của nước chủ nhà, những kết quả hợp tác trong các trụ cột chính của ASEAN bao gồm Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội hướng tới Hội nghị Cấp cao lần thứ 36 và 37, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến tổ chức khóa tập huấn này từ cuối tháng 3/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu COVID-19, Hội nghị Cấp cao lần thứ 36 lùi thời gian tổ chức và khóa tập huấn phải trì hoãn. Việt Nam nói riêng và các nước trong cộng đồng ASEAN nói chung đã ưu tiên mọi nỗ lực cho công tác phòng chống và ứng phó với dịch COVID-19. Đến thời điểm này, Việt Nam là một trong số những nước trên thế giới đang thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19.
Đúng như chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, trong bối cảnh và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nước chủ nhà Việt Nam đã sớm nhận thức về nguy cơ bùng phát của dịch bệnh và đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời để ngăn chặn lây lan trong cộng đồng. Việt Nam đã chủ động, thích ứng, linh hoạt xử lý, thống nhất và điều phối nỗ lực chung của Cộng đồng ASEAN trong ứng phó với dịch bệnh.
Các chuyên gia cấp cao thuộc các Bộ, ngành đại diện cho các trụ cột của ASEAN đã chia sẻ, cung cấp thông tin, giải đáp những thắc mắc của phóng viên trong việc đưa tin về nỗ lực và những kết quả đạt được của Việt Nam trong hợp tác ASEAN, cũng như khả năng ứng phó phòng chống dịch COVID-19; những sáng kiến và giải pháp phục hồi kinh tế ASEAN trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và bối cảnh dịch COVID-19.
Năm 2020, Việt Nam vinh dự đảm nhiệm những trọng trách lớn ở cả tầm khu vực và quốc tế, trong đó nổi bật là vai trò Chủ tịch ASEAN. Đây là cơ hội để Việt Nam đóng góp thực chất và nhiều hơn nữa vào phát triển cộng đồng ASEAN hài hòa, tự cường, sáng tạo, gắn kết, bản sắc, trách nhiệm và có khả năng thích ứng cao.