Trạng thái “bình thường mới”
Tính đến 18 giờ ngày 6/5, đã 20 ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng, tổng số ca mắc giữ nguyên 271 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 34.097 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 245; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 10.293; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 23.559 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong các ca COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là16 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 6 ca.
Ngày 6/5, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhận định, đến giờ phút này Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, có thể quay lại cuộc sống, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt trong một trạng thái bình thường mới.
Ban chỉ đạo yêu cầu toàn bộ cơ chế liên ngành quân đội, công an, y tế, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ không được nới lỏng. Tiếp tục củng cố tất cả các cơ chế, các công cụ, nhất là các công cụ công nghệ thông tin, để luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng nếu có một ca nhiễm nào đó trong cộng đồng thì lập tức phát hiện được ngay, khoanh vùng và dập dịch.
Theo tính toán của các chuyên gia, đến giờ phút này chưa thể nói tuyệt đối trong cộng đồng không còn mầm bệnh nhưng xác suất còn mầm bệnh là rất thấp. Tuy vậy, người dân vẫn phải tiếp tục thực hiện biện pháp phòng dịch cơ bản như: Đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, tránh tiếp xúc trực tiếp với người khác, tránh tiếp xúc vào những bề mặt không chắc chắn là không có mầm bệnh và nếu có tiếp xúc thì phải rửa tay ngay.
Đồng thời các cơ quan, công sở, nhà máy, siêu thị, bệnh viện, chợ dân sinh, phương tiện giao thông công cộng, hàng quán… tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm các điều kiện vệ sinh dịch tễ, phòng chống dịch bệnh.
Lớp học được bật điều hoà, học sinh không phải đeo khẩu trang
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo:
Vừa qua, một số trường học có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cứng nhắc, không cần thiết, thậm chí cực đoan như yêu cầu học sinh vừa đeo khẩu trang, vừa đeo mặt nạ chống giọt bắn, không được bật điều hòa. Những biện pháp này không những không cần thiết mà còn hại cho sức khỏe. Các cháu học sinh trong lớp học không bắt buộc phải đeo khẩu trang, phải giữ vệ sinh cá nhân, chịu khó rửa tay và giờ ra chơi thì đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc với các bạn lớp khác để tránh xác suất lây nhiễm, dù rất nhỏ. Các phòng học có thể bật điều hòa nhưng định kỳ mở cửa sổ, cửa chính để thông thoáng khí. Các phụ huynh cũng không nên cho con đi ra ngoài nơi công cộng khi không cần thiết.
Phó Thủ tướng khẳng định: Các cơ quan, công sở, nhà máy, siêu thị, bệnh viện, chợ dân sinh, phương tiện giao thông công cộng, hàng quán… tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm các điều kiện vệ sinh dịch tễ, phòng, chống dịch bệnh.
Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thống nhất đề xuất đến thời điểm này có thể cho phép các dịch vụ không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường (trừ vũ trường, quán karaoke) với điều kiện phải giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, cả 63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trở lại sau 3 tháng nghỉ phòng, chống dịch COVID-19. Tỷ lệ học sinh đi học ở cấp THCS là 97% và cấp THPT là 97,6%. Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương tổ chức cho học sinh đi học trở lại theo khối lớp và có biện pháp tổ chức dạy học theo từng nhóm học sinh/lớp để thực hiện giãn cách hợp lý, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên khi đến trường. Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục không tổ chức các hoạt động tập trung đông học sinh trong trường; Tổ chức chào cờ trong lớp học. Kết hợp giữa dạy học trực tuyến hoặc giao cho học sinh tự học ở nhà và dạy học trực tiếp để rút ngắn thời gian hoàn thành bài học ở trường, bảo đảm hoàn thành chương trình đã được tinh giản trước ngày 15/7/2020.
Dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách trong vận tải khách
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản hoả tốc gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc phòng dịch trong tình hình mới.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải quyết định từ 0 giờ ngày 7/5/2020, dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tải hành khách (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy...).
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, đeo khẩu trang đúng cách tại các khu vực công cộng (nhà ga, bến tàu, bến xe...) và trên phương tiện vận tải hành khách trong suốt hành trình; thực hiện khai báo y tế; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (có ít nhất 60% nồng độ cồn); kiểm tra thân nhiệt...
Cùng đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tiếp tục hạn chế giao tiếp, ăn uống trên phương tiện vận tải hành khách; khử khuẩn các bề mặt trên phương tiện vận tải hành khách trước và ngay sau khi kết thúc chuyến đi
Hàng không được khai thác đủ tải
Cục Hàng không Việt Nam cũng thông báo tới các hãng hàng không Việt Nam về việc bãi bỏ quy định giới hạn về giãn cách ghế ngồi cũng như số khách chuyên chở với tỷ lệ 80% trên tàu bay. Quy định này sẽ được thực hiện ngay từ 0 giờ ngày 7/5/2020.
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, việc hạn chế số lượng chuyến bay trên các đường bay Hà Nội/TP Hồ Chí Minh/Đà Nẵng cũng sẽ được dỡ bỏ theo thời hạn trên.
Tuy nhiên, đơn vị này vẫn giữ quan điểm khoảng cách giữa các hành khách khi làm thủ tục hàng không, soi chiếu an ninh, xếp hàng lên tàu bay tại Cảng hàng không, sân bay là 1m. Các quy định khác về đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 không thay đổi.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng đề nghị cho phép tăng tần suất trên các đường bay nội địa từ 0 giờ ngày 7/5/2020, đề xuất mỗi ngày sẽ có 52 chuyến bay (khứ hồi) đối với đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, 20 chuyến bay (khứ hồi) đối với đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, 20 chuyến bay (khứ hồi) đối với đường bay TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng.
Số chuyến bay của các đường bay khác được thay đổi theo nhu cầu của hãng hàng không. Từ 0 giờ ngày 1/6/2020, theo nhu cầu của hãng hàng không trên cơ sở giờ hạ, cất cánh đã được xác nhận cho các hãng hàng không tại Lịch bay mùa Đông 2019/2020, các hãng hàng không được phép mở bán vé các đường bay chở khách, hàng hóa nội địa, các đường bay chở hàng hóa quốc tế trên hệ thống phân phối cho toàn bộ Lịch bay mùa Hè 2020 phù hợp với các nội dung phân bổ theo từng giai đoạn nêu trên.
Bộ Giao thông Vận tải cũng có văn bản số 4208/BGTVT-CYT gửi Cục Hàng không Việt Nam về việc tổ chức lưu trú, cách ly y tế đối với tổ bay trên các chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tất cả các đơn vị làm việc tại Cảng hàng không phối hợp với cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế (thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố) thống nhất phương án quản lý, giám sát y tế đối với các thành viên tổ bay cần phải ở lại hoặc cách ly y tế tại khu lưu trú tập trung.
Tạo thuận lợi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Sáng 6/5, tại trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với đại diện một số bộ, ngành về việc xây dựng, tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam xây dựng, tích hợp cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, theo hướng liên thông điện tử việc xác nhận, xét duyệt, thẩm định giữa các cơ quan nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí thực hiện, hạn chế đi lại, tiếp xúc cho người dân, doanh nghiệp.
Có 5 dịch vụ được tích hợp gồm: Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về
Trong hai ngày 5 - 6/5/2020, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), các cơ quan liên quan của Pháp tổ chức chuyến bay VN18 hành trình Paris (Pháp) - Vân Đồn đưa 240 công dân Việt Nam chủ yếu là trẻ em dưới 18 tuổi, người già, du học sinh không có nơi lưu trú... về nước.
Sau khi chuyến bay VN18 từ Paris hạ cánh tại Vân Đồn, các hành khách được đưa đi cách ly tập trung theo quy định, còn máy bay được vệ sinh, khử trùng toàn bộ buồng lái, khoang hành khách.
Vietnam Airlines cũng đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của phía Mỹ, dự kiến sẽ tổ chức chuyến bay hồi hương cho công dân Việt Nam tại Mỹ về nước vào ngày 7/5.
Bộ Ngoại giao khuyến nghị công dân Việt Nam tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch của nước sở tại và hướng dẫn của các Cơ quan đại diện Việt Nam. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco và các cơ quan đại diện khác của Việt Nam tại Mỹ đã và đang hết sức nỗ lực hỗ trợ công dân trong việc lưu trú, di chuyển và phòng ngừa dịch bệnh trong thời gian ở tại San Francisco chờ chuyến bay.
Trong trường hợp cần trợ giúp, công dân Việt Nam có thể liên hệ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ theo các số điện thoại 001.202.716.8666/001.202.999.6938/001.202.999.6589.
Công dân cũng có thể liên hệ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco theo các số điện thoại 001.415.619.2951/001.415.319.5446. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Houston theo số điện thoại 001.346.775.0555, Phái đoàn Việt Nam tại New York theo các số điện thoại 001.929.523.5888/001.917.513.8688/ 001.646.799.5789 hoặc số điện thoại Tổng đài Bảo hộ Công dân của Cục Lãnh sự Việt Nam +84.981.84.84.84.