Tuy nhiên, do tác động của dịch, nhiều khó khăn hiện hữu, đòi hỏi sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp chính quyền để sớm ổn định đời sống và sản xuất của người dân.
Sau gần 1 tháng cách ly, nghề trồng hoa - mang lại sản phẩm đặc trưng, cũng là lĩnh vực kinh tế chủ đạo của người dân Hạ Lôi và Mê Linh chịu thiệt hại khá lớn, ảnh hưởng không chỉ đến thu nhập của người dân mà còn kéo giảm chỉ tiêu phát triển của huyện trong năm 2020.
Nhiều hộ gia đình trồng hoa, ngay sau thời khắc gỡ bỏ cách ly đã tranh thủ gom hoa còn sót lại từ vườn và hoa từ những nhà đi "mót" để kịp thời vận chuyển lên các chợ hoa đầu mối trong khu vực trung tâm Hà Nội bán trong đêm. Việc khôi phục đời sống, sản xuất tại Hạ Lôi cũng góp phần tái bổ sung nguồn cung mặt hàng hoa tươi cho thị trường Hà Nội, vốn bị suy giảm nghiêm trọng do dịch trong nhiều tháng qua.
Những ngày cách ly tuy vất vả, lo lắng nhưng người dân Hạ Lôi luôn động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện khôi phục lại sản xuất, khắc phục những thiệt hại do dịch. Việc gỡ bỏ cách ly đúng thời hạn và kịp thời cũng góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân trồng hoa Hạ Lôi sau gần 1 tháng ngừng sản xuất.
Ông Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh khẳng định sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc các quy định sau khi dỡ bỏ cách ly, không chủ quan với dịch và tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của ngành Y tế. Huyện cũng sẽ duy trì hoạt động giám sát hàng ngày tại khu vực ổ dịch; bố trí các đội giám sát, xử lý dịch, phòng khám, đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch sau phong tỏa; phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh đảm bảo thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ y tế cho người dân; kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Theo ông Tạ Quang Thái - Chủ tịch UBND xã Mê Linh, xã sẽ tiếp tục duy trì kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thôn Hạ Lôi nói riêng, địa bàn xã nói chung; tổ chức phát động tổng vệ sinh môi trường, phòng chống dịch trên địa bàn toàn thôn Hạ Lôi ngay sau khi kết thúc thiết lập vùng cách ly y tế; tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ các trường hợp cách ly y tế, đặc biệt là các bệnh nhân mắc COVID-19 ra viện, các ca nghi ngờ và các trường hợp F1 kết thúc cách ly tập trung về địa phương...
Thống kê đến ngày 6/5, UBND huyện Mê Linh đã bổ sung kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện 3 lần, với tổng số tiền khoảng 2,35 tỷ đồng. 2,5 tỷ đồng đã được chuyển đến hỗ trợ cho UBND xã Mê Linh triển khai phòng, chống dịch COVID-19. Tổng kinh phí UBND huyện Mê Linh đã chi cho các đơn vị thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 là hơn 8,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện và xã, vấn đề lớn đang phải giải quyết hiện nay sau thời điểm gỡ cách ly là các nguồn lực để phát triển kinh tế trên địa bàn. Toàn huyện Mê Linh hiện có khoảng 250 ha chuối tây (trồng tại khu vực bãi Hoàng, Kim Thạch Đà, Chu Phan), với sản lượng khoảng trên 2.000 tấn nhưng hiện không có nơi tiêu thụ, do phần lớn xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc trong khi thị trường này đang tạm thời bị đóng cửa.
Một số sản phẩm nông sản chủ lực của huyện như rau, hoa, trứng gia cầm (trứng vịt, gà) việc tiêu thụ gặp khó khăn do tâm lý e ngại của người tiêu dùng đối với sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ tại huyện Mê Linh (được coi là vùng dịch). Việc tái đàn lợn hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn do nguồn lợn giống khan hiếm, giá lợn giống cao và tâm lý lo ngại của người dân đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ tái phát trong khi hiện nay chưa có vắc xin phòng trị.
Không chỉ có vậy, do thực hiện nghiêm việc cách ly y tế các hộ tại thôn Hạ Lôi trong thời gian dài, nên các hộ dân trong thôn không thể thực hiện việc chăm sóc, thu hoạch hoa đến kỳ thu hoạch nên gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây hoa đang trong thời kỳ sinh trưởng và chất lượng sản phẩm hoa khi thu hoạch. Trong khi đó, nhân dân đã đầu tư nguồn vốn rất lớn vào sản xuất một số loại hoa quý như lan, hoa thế, hoa ly, hoa chậu... nên khi dịch xảy ra đã gây thiệt hại lớn.
Tuy nhiên, bà Đặng Thị Bẩy, người dân huyện Mê Linh cho biết, kế hoạch bây giờ của gia đình là để hết thời gian vụ hoa này thì tiếp tục trồng hoa trắng chứ không vì dịch mà lãng phí thời gian. "Tôi sẽ làm luôn bởi vì phải làm luôn thì mới có thu nhập chứ không phải vì dịch mà tôi bỏ ruộng, vì ruộng là nguồn thu nhập của gia đình".
Anh Nguyễn Khắc Nam, người dân huyện Mê Linh thông tin, do thời gian cách ly dài ngày, người dân không thể ra đồng chăm cây nên gần như toàn bộ vụ hoa đã hỏng. Do đó, các hộ trồng hoa ở nơi đây đều bỏ hết loại già này đi để trồng cây hoa mới. Số hoa còn lại, cắt mang về, ai mua thì bán rẻ. Một số được giữ lại để ươm.
Đề cập các giải pháp khắc phục trong thời gian tới, ông Phạm Thành Đô, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, huyện đã giao các phòng, ban, Trạm Khuyến nông, Trạm Chăn nuôi thú y, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn nhân dân tập trung chăm sóc tốt cho cây trồng, vật nuôi; áp dụng các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng các chế phẩm sinh học để tạo ra các sản phẩm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh cho người tiêu dùng nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Huyện cũng tạm thời khuyến cáo người dân chưa mở rộng các vùng sản xuất hoa theo quy hoạch. Đối với các phần đất đã trồng hoa, đặc biệt là hoa ngắn ngày, hoa cắt cành thì với các phần diện tích đó sau khi thu hoạch, cải tạo đất để chuyển sang trồng thêm các loại rau màu lương thực, thực phẩm để phục vụ cho người tiêu dùng sau dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND xã Mê Linh Tạ Quang Thái cũng chia sẻ thêm, do những khó khăn phát sinh, xã đang kêu gọi hỗ trợ từ các cấp để giúp người dân vơi bớt khó khăn, nhanh chóng ổn định lại cuộc sống, đặc biệt là sớm khôi phục lại nghề trồng hoa - lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và cũng là nét văn hóa đặc sắc của Mê Linh.