TP Hồ Chí Minh: Đề xuất giải pháp khắc phục sạt lở khu vực bờ kênh Thanh Đa

Sở GTVT TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh về kết quả khảo sát, quan trắc, đánh giá nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục sạt lở khu vực bờ phải kênh Thanh Đa (Phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).

Chú thích ảnh
Khu vực sạt lở bờ kênh Thanh Đa thuộc Phường 25, quận Bình Thạnh.

Theo Sở GTVT, tuyến kè bảo vệ bờ kênh Thanh Đa thuộc Phường 25, quận Bình Thạnh có chiều dài 478m và bề rộng mặt kè 3,5m. Công trình này được đưa vào sử dụng năm 2008, đến nay đã khai thác gần được 15 năm.

Hơn một tháng nay, các hộ dân tại hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Phường 25, quận Bình Thạnh) sống gần bờ kênh Thanh Đa rất lo lắng khi nền đất tại khu vực này đang bị sụt lún, nứt nẻ nghiêm trọng. Hiện nay, chính quyền Thành phố đã vận động di dời khẩn cấp đối với 15 hộ dân nằm trong khu vực sạt lở đến nơi an toàn và bố trí dân phòng, dân quân tự vệ canh gác ngày đêm; đồng thời, đặt biển báo và căng băng rôn tại khu vực sạt lở để thông báo, đề nghị người dân hạn chế đi lại trong khu vực.

Theo đánh giá của Sở GTVT, công trình hiện hữu đã có thời gian khai thác dài, kết cấu và vật liệu đã lão hóa, giảm khả năng liên kết và dễ bị ảnh hưởng khi có tác động tiêu cực từ bên ngoài như sóng, dòng chảy, triều cường, gia tăng tải trọng do xây dựng…

Thời điểm xảy ra sụt lún là mùa mưa bão, có mưa lớn nhiều ngày, kết hợp với việc không có hệ thống thoát nước trong khu vực dân cư sau kè, làm cho nước thoát chậm và ngập úng, làm cho đất phía sau kè bão hòa nước, gây ra chênh mực nước lớn khi nước thuỷ triều dao động, làm gia tăng áp lực ngang lên kè.

Chú thích ảnh
Khu vực sạt lở nằm ở bờ phải kênh Thanh Đa dài khoảng 220m, rộng khoảng 2,5m.

Kết quả khảo sát địa chất tại khu vực sụt lún cho thấy, địa tầng xuất hiện lớp sét yếu (sét lẫn cát và mạch hữu cơ), tính dẻo vừa, trạng thái dẻo chảy đến dẻo mềm... Ngoài ra, tuyến kênh Thanh Đa là đoạn nối tắt của sông Sài Gòn nên lượng phương tiện thủy qua tuyến là rất lớn. Phương tiện di chuyển tạo sóng gây nhiều áp lực, ảnh hưởng đến độ ổn định công trình kè. Cộng thêm phạm vi bảo vệ kè tính từ đỉnh kè vào trong bờ chỉ đạt 3,5m (theo quy định an toàn phải 10m) và tồn tại những công trình nhà hiện hữu gây nên tải trọng lớn tác động lên kè.

Chú thích ảnh
Tường của các nhà dân dọc bờ kè bị nứt, nhà nghiêng đổ về phía bờ sông, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.

Nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân, chỉnh trang đô thị trong khu vực, Sở GTVT kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh giao Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cập nhật vị trí nêu trên vào danh mục các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn thành phố; chấp thuận chủ trương xây dựng kiên cố tuyến kè kênh Thanh Đa với chiều dài 478m, phạm vi giải tỏa mặt bằng của dự án là 10m, tính từ đỉnh kè vào phía bờ, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 90 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí này dùng để xây dựng kè kiên cố, hệ thống thoát nước và khuôn viên cây xanh nhưng không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng thay thế công trình kè mềm hiện hữu.

Sở GTVT cũng kiến nghị, giao UBND quận Bình Thạnh khẩn trương thống kê quy mô, diện tích đất, kết cấu công trình, vật kiến trúc… làm cơ sở thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương giao UBND quận Bình Thạnh làm chủ đầu tư dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tin, ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Cận cảnh đường song hành cao tốc ở TP Hồ Chí Minh sắp thông xe
Cận cảnh đường song hành cao tốc ở TP Hồ Chí Minh sắp thông xe

Đường song hành cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây dài 2,7km sẽ được thông xe vào đầu tháng 8/2023, góp phần giảm ùn tắc trong quá trình thi công nút giao An Phú.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN