Chiều ngày 9/7, kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hồ Chí Minh khoá IX bước vào phiên thảo luận tại các tổ về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và bàn giải pháp 6 tháng cuối năm. Trong phiên thảo luận tại Tổ 3 ở hội trường chính, một số đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh đã đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh cần chấn chỉnh ngay tình trạng hát karaoke bằng loa kẹo kéo gây ra tiếng ồn lớn.
Đại biểu Cao Thanh Bình cho biết, khi thực hiện việc giám sát về tình hình an ninh trật tự tại các quận, huyện đa số người dân bày tỏ bức xúc về tình trạng gây ồn ào từ hát karaoke công suất lớn. Đáng nói, vấn nạn này xảy ra khi các quy định pháp luật hiện hành về xử lý tiếng ồn đã có nhưng không được xử lý, từ đó đã gây ra những bức xúc âm ỉ, kéo theo bao vụ việc đau lòng vì nhắc nhở hát karaoke tại khu phố, xóm ấp.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, cho biết ở các kỳ họp trước đây, đã hai lần Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh có kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các quận huyện, phường xã, thị trấn cần có biện pháp chấn chỉnh các hoạt động karaoke, ca nhạc đường phố tại các buổi liên hoan, tiệc tùng ở các khu dân cư với dàn âm thanh công suất lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khoẻ người dân. Tuy nhiên, UBND các phường xã, thị trấn và các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết trong việc xử lý những trường hợp hát karaoke với tiếng ồn quá lớn, từ đó dẫn đến nhiều hộ dân vẫn liên tục bị tra tấn vì karaoke. Thậm chí, nhiều vụ việc xảy ra bất hòa, gây nên án mạng. Chẳng hạn, vào tháng 4 vừa qua, tại một khu nhà trọ ở huyện Bình Chánh đã có một người chết do nhắc nhở hàng xóm hát karaoke với tiếng ồn lớn.
“Có thể nói, việc hát karaoke bằng loa di động (loa kẹo kéo) không còn là loại hình giải trí đơn thuần mà đã và đang trở thành vấn nạn, gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân TP Hồ Chí Minh”, bà Tô Thị Bích Châu khẳng định.
Để chấn chỉnh tình trạng này, bà Tô Thị Bích Châu cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng và UBND các cấp thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý triệt để vấn nạn hát karaoke gây tiếng ồn trong khu dân cư theo Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ; đồng thời, đề nghị đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kẹo kéo gây ồn ào vào hương ước, quy ước của khu phố, ấp để từ đó nhắc nhở người dân tự giác thực hiện.
Nói về các chế tài xử lý tình trạng vi phạm tiếng ồn từ hát karaoke loa kẹo kéo có công suất lớn, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TP Hồ Chí Minh, cho biết: Để bảo đảm an ninh trật tự và không xảy ra những sự việc đáng tiếc, các cơ quan có thẩm quyền như công an, chính quyền địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình có trách nhiệm đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng loa hát karaoke gây tiếng ồn.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, thực tế các quy định pháp luật hiện hành về xử lý tiếng ồn không thiếu. Chẳng hạn như theo điểm a, khoản 1, Điều 6 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định nếu hát karaoke làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000 - 600.000 đồng).
Trong trường hợp hát karaoke ngoài khoảng thời gian nêu trên nhưng gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 2 dBA trở lên sẽ bị xử phạt như sau: Tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 30 dBA sẽ bị phạt tiền 20-100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (nếu tổ chức vi phạm sẽ bị phạt 40-200 triệu đồng) và bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở đến 6 tháng; tiếng ồn từ 30 dBA trở lên thì bị phạt tiền 100-160 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm (phạt tiền 200-320 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm) và đình chỉ hoạt động của cơ sở vi phạm quy định này 6-12 tháng.