Nở rộ các dịch vụ cho thuê dàn âm thanh
Phong trào hát "nhạc sống" phát triển rộng khắp đến mức nhiều gia đình sẵn sàng chi ra vài triệu để sắm một chiếc loa mi ni (loa kẹo kéo), có chức năng kết nối với điện thoại thông minh qua bluetooth để thỏa thích ca hát mỗi khi có nhu cầu. Đặc biệt, nhiều gia đình có đám cưới, sinh nhật đã thuê dàn âm thanh hát "nhạc sống" để phục vụ. Việc ca hát trở nên đơn giản khi chỉ cần chi khoảng 800.000 - 1.000.000 đồng/suất (4 tiếng) để thuê dàn âm thanh hát nhạc sống phục vụ hoặc ai khó khăn hơn thì thuê dàn karaoke di động giá chỉ 80.000 - 100.000 đồng/tiếng.
Theo anh Trần Hiếu Thảo (xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm), mỗi tháng, anh phục vụ khoảng 10 buổi tiệc, trong đó có đầy đủ tiệc cưới, sinh nhật, giỗ... Anh Thảo thường hát 4 tiếng được khoảng 300.000 đồng. Thế nên, anh đã đầu tư 30 triệu đồng để làm dịch vụ, 2 năm nay đã thu hồi vốn.
Anh Trần Minh Kết (xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn) cho biết, đầu tư dàn âm thanh nhạc sống và dàn karaoke di động hơn 3 năm nay với số tiền khoảng 90 triệu đồng. Hiện tại, anh đã thu hồi vốn. Ban đầu, anh chỉ đầu tư dàn âm thanh nhạc sống để phục vụ các đám cưới với giá thuê 800.000 đồng/suất 4 tiếng. Gần đây, nhu cầu người dân càng cao, thường thuê âm thanh để hát trong các tiệc sinh nhật, đám cưới, tiệc nhậu… nên xuất hiện loại hình karaoke di động, vừa đảm bảo âm thanh phục vụ, giá lại “mềm” nên rất được ưa chuộng. Nắm bắt được nhu cầu của người dân, anh tiếp tục đầu tư thêm dàn karaoke di động với giá thuê 350.000 đồng/suất (4 tiếng). Anh chia sẻ: Giờ phục vụ đầy đủ các đám, tiệc, hễ có người kêu là mình đến. Giá cả cũng vừa tầm, không tới 100.000 đồng/tiếng nên nhiều người thuê. Mỗi tháng có 5 - 7 đám, thu nhập cũng đủ trang trải trong gia đình.
Địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 769 cơ sở hoạt động cho thuê dàn nhạc sống và karaoke di động. Tuy nhiên, chủ yếu là các cá nhân hoạt động kinh doanh lưu động, không có địa điểm cố định, số lượng có đăng ký kinh doanh rất ít. Toàn tỉnh có 14 cá nhân đăng ký kinh doanh (chiếm 1,82%). Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, căn cứ các quy định hiện hành, ngành không quy định về việc cấp phép hoạt động đối với loại hình hoạt động này. Việc quản lý hoạt động của các dịch vụ này chủ yếu thông qua việc lập danh sách và cam kết.
Nỗi khổ của người nghe
Sự phát triển của các hoạt động văn hóa văn nghệ trong cộng động, nhất là tổ chức ca nhạc trong các buổi tiệc tại khu dân cư góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này đang bị lạm dụng dẫn đến tình trạng hát với âm thanh quá lớn, hát quá khung giờ cho phép… gây tiếng ồn, ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần người dân, gây bức xúc cho dư luận xã hội.
Chủ tịch UBND xã Tân Quới, huyện Bình Tân Nguyễn Minh Thuận cho biết, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân phản ánh tình trạng đám cưới, sinh nhật, ngày lễ, ngày nghỉ, ngày giỗ… đều tổ chức vui chơi, giải trí bằng hình thức ca hát mở hết công suất loa, ca hát thâu đêm gây ồn ào, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học hành của học sinh. Thậm chí, ngay cả đi thu hoạch khoai cũng có hộ dân mở nhạc hát tại ruộng. Trong tháng 6/2019, địa phương đã nhắc nhở một trường hợp hát bằng loa kẹo kéo ở gia đình quá lớn gây ảnh hưởng giấc ngủ người xung quanh. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn phổ biến khiến người dân rất bức xúc.
Chị Trần Thị Kim Liên, xã Thành Trung, huyện Bình Tân chia sẻ: Nhà kế bên rất thích hát nhạc. Cứ có đám là thuê dàn nhạc về hát thâu đêm, rồi nghỉ lễ, nghỉ tết cũng hát. Lúc đầu còn dễ nghe nhưng khi có chút rượu rồi, cứ mạnh ai người nấy hát, ảnh hưởng tới việc học hành, nghỉ ngơi của mấy đứa nhỏ.
Thực tế cho thấy, phong trào hát "nhạc sống" đang phát triển mạnh mẽ cả ở thành thị lẫn nông thôn. Khi mới vào tiệc, nhạc nhẹ nhàng, nhưng khi đã có men rượu, cứ mạnh ai nấy hát hết công suất, bất kể giờ giấc. Người phục vụ dàn âm thanh cũng phải chiều theo. Có gần 20 năm làm các dịch vụ phục vụ đám tiệc, ông Nguyễn Hữu Thành (xã Tân Quới, huyện Bình Tân) cho biết, làm nghề này như làm dâu trăm họ. Vô đám rồi người ta hát, mình đánh đàn, muốn nhạc lớn thì chỉnh lên, nhạc nhỏ, mình hạ xuống. Hát tới khuya cũng phải ráng theo, không chiều lại sinh ra cự cãi.
Bên cạnh đó, việc ra đời của các quán cà phê có sinh hoạt câu lạc bộ “hát với nhau”, các phương tiện bán hàng rong sử dụng loa kẹo kéo để rao hàng… hoạt động quá khung giờ cho phép hoặc hát chế lại ca từ của bài hát cũng gây nhiều bức xúc cho người dân.
Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ là nhu cầu chính đáng nhưng những bất cập trong hoạt động này cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của một bộ phận người dân và gây mất an ninh trật tự địa phương.
Bài cuối: Tăng cường quản lý và xử lý vi phạm