Âm thanh xáo động biển xanh
Trên thực tế, trong hàng triệu năm qua, đại dương chưa bao giờ là nơi yên lặng mà vẫn sôi động với âm thanh của sấm sét trong bão và tiếng của cá voi... song các sinh vật biển đã quen với những tiếng động này.
Ông Jason Gedamke thuộc Cục quản lý Hải dương và Khí quyển Mỹ (NOAA) cũng thừa nhận điều này nhưng nhấn mạnh rằng tiếng ồn do con người tạo ra trên biển đang gia tăng tần suất. Các hoạt động đóng cọc, nạo vét, sử dụng súng hơi địa chấn và thiết bị dò sóng âm trong hoạt động khai thác, dò tìm dầu mỏ, phá băng, đánh cá... khiến mức độ âm thanh ở biển tăng âm lượng đáng kể.
Những âm thanh trong hoạt động của dàn khoan dầu có thể ảnh hưởng tới môi trường sinh vật biển. |
Điển hình như vùng biển ngoài khơi bang California đang chịu cảnh âm thanh dưới nước đã “thăng cấp” gấp vài lần trong những thập niên gần đây. Hay tại vùng biển Bắc Cực nơi đang đối mặt với hiện tượng băng tan và hoạt động vận chuyển bằng tàu thủy diễn ra rất “nhộn nhịp” thì cường độ âm thanh đã lên tới mức báo động.
Lý do khiến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ở đại dương có thể trở thành vấn nạn nghiêm trọng nằm ở thực tế rằng khoảng cách truyền âm trong nước lớn hơn rất nhiều so với trong không khí trong khi các sinh vật biển lại rất nhạy cảm với tiếng ồn.
Những âm thanh do con người gây ra làm gián đoạn quá trình truyền sóng âm để giao tiếp, săn mồi và xác định phương hướng của các loài động vật biển có vú. Điển hình là loài cá voi xanh và cá voi vây sử dụng sóng âm để tìm thức ăn và bạn tình. Còn cá và ấu trùng cua dựa vào âm thanh của rạn san hô để xác định phương hướng trong khi loài tôm tạo ra sóng âm bằng bong bóng nước để săn mồi và xua đuổi kẻ thù.
Theo trang mạng “marineinsight”, số lượng động vật biển có vú như cá voi và cá heo đang giảm dần ở những nơi có nhiều tiếng ồn. Âm thanh do con người gây ra được cho là gây tác động đến thói quen di cư của một số sinh vật biển, điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái mà còn tác động đến hoạt động đánh bắt thủy sản của con người.
Đem bình lặng về với biển khơi
Trước hiện trạng trên, NOAA mới đây đã giới thiệu dự thảo về kế hoạch chiến lược giảm tác động của tiếng ồn với đại dương đồng thời mời công chúng đóng góp ý kiến.
Lộ trình của NOAA bao gồm nghiên cứu sâu hơn tác động của tiếng ồn do con người gây ra tới các “cư dân của biển cả” cùng với sự hợp tác của các nhóm hoạt động vì môi trường, quân đội và chính phủ Mỹ. Đặc biệt cơ quan này đã sử dụng các máy móc khá “kín tiếng” để tiến hành công việc nghiên cứu dưới đại dương.
Kế hoạch cho 10 năm này dự kiến sẽ được “ra mắt” vào cuối năm nay. Đây được coi là bản dự thảo đầu tiên quy định rộng rãi về tiêu chuẩn âm thanh và mức giới hạn tiếng ồn trên biển.
Theo ông Richard Merrick làm việc tại NOAA, mối quan ngại về ô nhiễm tiếng ồn trên biển có từ thập niên 1970 của thế kỷ trước và cơ quan này từ lâu đã đề xuất ban hành quy định về mức độ tiếng ồn đối với hoạt động khoan dầu trên biển.
Không chỉ có NOAA, Liên minh châu Âu cũng đang soạn thảo tiêu chuẩn về tiếng ồn trên biển trong khi Tổ chức Hàng hải Quốc tế vào năm 2014 đã giới thiệu bản hướng dẫn tàu thuyền phương pháp giảm âm thanh. Bên cạnh đó nhiều công ty khai thác dầu mỏ đã chủ động đầu tư vào công nghệ tạo ít tiếng ồn hơn.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều về kế hoạch dự thảo của NOAA. Trong đó, chuyên gia tại Ủy ban phi lợi nhuận Bảo tồn Tài nguyên Thiên nhiên, bà Michael Jasny cho rằng kế hoạch của NOAA sẽ gây tổn hại cho sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ.