“Thành phố là nơi tiêu thụ lợn lớn nhất cả nước, mỗi ngày tiêu thụ hơn 10.000 con lợn, mỗi năm cung cấp 1 triệu con lợn giống cho thành phố và các tỉnh thành nên phải cô lập dịch. Ngay từ ngày 9/1/2019, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch hành động khẩn cấp, xây dựng 3 tình huống xử lý. Sắp tới UBND thành phố sẽ có cuộc họp với các UBND quận huyện và sở, ngành liên quan để triển khai quyết liệt các nội dung mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo”, ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương thành phố, hiện nay các đơn vị cung cấp lợn cho thành phố như Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đã cam kết đảm bảo về nguồn lợn. Ngoài thịt lợn, Sở Công Thương thành phố cũng đã làm việc với các doanh nghiệp cung cấp gà chuẩn bị bổ sung trong trường hợp xấu.
Còn theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, dù thành phố chưa tiếp nhận nguồn lợn từ các tỉnh phía Bắc, nơi đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi nhưng thành phố vẫn giả định tình huống xấu nhất như tiếp nhận lợn vùng có dịch để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Thành phố sẽ tăng cường lực lượng kiểm soát ở các điểm đầu mối giao thông, nhất là ở khu vực cửa ngõ, trên các trục đường chính; kiểm soát cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, đảm bảo nguồn nhập vào phải có nguồn gốc. Đặc biệt, các quận huyện tăng cường kiểm soát việc giết mổ trái phép.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ để kiểm soát tình hình tả lợn châu Phi, phối hợp chốt chặn, kiểm tra nguồn gốc thịt lợn, nhất là ở các chợ đầu mối.