Về hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương (ngừng việc, hoãn việc) theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố cho 43.260/45.988 người (đạt hơn 94%) của 1.331/1.481 doanh nghiệp (đạt 89,87%) với số tiền hơn 43,26 tỷ đồng. Tuy nhiên, cùng đối tượng hỗ trợ nhưng theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, mới có 824/45.988 người được nhận hỗ trợ (đạt 1,79%) của 44/1.481 doanh nghiệp (đạt 2,97%) với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng.
Lý giải về vấn đề này, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố cho rằng, Nghị quyết 42 quy định rất chặt chẽ, nên để được hưởng chế độ này người lao động phải đảm bảo các yêu cầu như: Tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ không hưởng lương, tức phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến hết ngày 31/3/2020 mới đảm bảo một trong những điều kiện để hỗ trợ.
“Đặc biệt là doanh nghiệp phải chứng minh gặp khó khăn về tài chính, không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (nghĩa là doanh nghiệp sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của doanh nghiệp, số dư đến ngày 31/3/2020) do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, người lao động trong doanh nghiệp này mới được hỗ trợ”, ông Lê Minh Tấn chia sẻ.
Ngoài ra, việc thẩm định hồ sơ tài chính của doanh nghiệp phải do Ủy ban nhân dân quận, huyện thành lập tổ công tác gồm nhiều cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp nên mất rất nhiều thời gian để xử lý hồ sơ.
Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố cho biết thêm, việc hỗ trợ cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Nghị quyết 02 của Hội đồng nhân dân thành phố được 865 người (đạt 65%) với số tiền 865 triệu đồng. Hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ chỉ mới được 55 người (đạt 4,13%) với số tiền 55 triệu đồng.
Việc hỗ trợ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ nghỉ việc không hưởng lương theo Nghị quyết 02 của Hội đồng nhân dân Thành phố đã có 11.826 trường hợp nhận được tiền hỗ trợ (đạt 90,32%) với số tiền hơn 11,8 tỷ đồng; 168.764 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm được hỗ trợ số tiền gần 168,7 tỷ đồng (đạt 89,63%); 1.211 hộ kinh doanh được hỗ trợ với số tiền 1,2 tỷ đồng (đạt 57,61%); một doanh nghiệp được hỗ trợ vay 44,2 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Khó khăn trong những trường hợp này, ông Lê Minh Tất cho rằng, do lao động tự do đa phần là lao động chân tay, công việc giản đơn nên dù địa phương đã hướng dẫn nhưng phải điều chỉnh hồ sơ nhiều lần hay việc xác nhận của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tại nơi thường trú đã làm cho quá trình giải quyết chậm. Riêng với doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm (tức bình quân khoảng 270.000 đồng/ngày), rất ít hộ kinh doanh hội đủ điều kiện để tiếp cận được chính sách hỗ trợ này...
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố, việc chi hỗ trợ nhanh thuộc về những người có công với cách mạng; người bán lẻ vé số lưu động; diện bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo riêng của thành phố. Bảo hiểm xã hội Thành phố cũng đã tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất...