Ông Nguyễn Đức Hậu, Bí thư chi bộ 1 (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Tổ dân phố số 1 đã lập danh sách 47 lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn để hưởng hỗ trợ do dịch COVID-19 nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt do có một số trường hợp thường trú tại địa bàn nhưng hộ khẩu tại quận khác; hoặc người lao động mở cửa hàng kinh doanh tại phường khác và cần phải xác nhận… Số kê khai ban đầu của tổ dân phố 87 người nhưng nay giảm xuống 47 người nhưng vẫn đang đợi phường và quận phê duyệt.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Lực, Bí thư chi bộ 4 (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết: Trên địa bàn có 20 người khó khăn hưởng chính sách hỗ trợ. Trước đây, khi có Quyết định 15, tổ dân phố tiến hành khảo sát danh sách những lao động khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch và gửi lên phường.
Tuy nhiên, từ sau những “lùm xùm” tại một số tỉnh, việc xét duyệt rất chặt. Theo đó, những người khó khăn muốn được hỗ trợ tự lên phường lấy mẫu khai. Sau đó, danh sách phải qua hội đồng xét duyệt tại cơ sở gồm có bí thư chi bộ, tổ trưởng, trưởng ban công tác mặt trận, công an khu vực.
Sau khi hoàn tất thủ tục, danh sách gửi lên phường để phê duyệt lại lần nữa, niêm yết công khai rồi mới gửi lên quận. Với những người nơi khác thường trú tại địa bàn cần phải có giấy xác nhận của địa phương nơi đi chưa nhận hỗ trợ nên có người nản không làm thủ tục nữa.
Lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội thừa nhận, công tác xét duyệt hỗ trợ cho nhóm đối tượng lao động gồm: Lao động ngừng việc, hoãn hợp đồng tại doanh nghiệp; lao động tự do… tại các quận huyện đang triển khai rất chậm.
Cụ thể, đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên: Các địa phương đã ra quyết định hỗ trợ cho 371 lao động tại 11 doanh nghiệp (DN); mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ 1 tháng, tổng kinh phí 667,8 triệu đồng. Các địa phương đã tổ chức chi trả cho 349 lao động số tiền 628,2 triệu đồng.
Đối với NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Các quận, huyện đang tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ và đã ra quyết định hỗ trợ cho 31 NLĐ với số tiền 31 triệu đồng; đã chi trả 20 NLĐ với số tiền 20 triệu đồng.
Với lao động tự do, các quận, huyện đã ra quyết định hỗ trợ cho 16.677 lao động bị mất việc làm, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ 1 tháng, kinh phí hơn 16,6 tỷ đồng. Hiện đã tổ chức chi trả cho 10.561 người số tiền hơn 10,5 tỷ đồng đồng. Trong đó, quận Đống Đa đã phê duyệt và chi trả cho 3.093 trường hợp; Hà Đông phê duyệt 3.300 trường hợp, chi trả 3.030 trường hợp; Ba Vì phê duyệt 43 trường hợp…
Với đối tượng hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020, các quận, huyện đã thẩm định và ra quyết định hỗ trợ cho 992 hộ kinh doanh, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ 1 tháng, kinh phí 992 triệu đồng. Hiện đã chi trả hỗ trợ cho 649 hộ với số tiền 649 triệu đồng.
Hiện nay, các địa phương vẫn đang tiếp nhận và phê duyệt hồ sơ của người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho NLĐ nhưng chưa ra quyết định hỗ trợ cho DN nào.
Các quận, huyện cũng đang tiếp nhận, giải quyết chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 163 DN, đơn vị sử dụng lao động với tổng số tiền 13.854 người, tương ứng kinh phí trên 49,8 tỷ đồng.
Theo Sở LĐTBXH, việc thẩm định các điều kiện để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng gặp rất nhiều khó khăn do không có cơ sở để kiểm tra, xác minh mà chủ yếu dựa vào thông tin do người lao động, người sử dụng lao động cung cấp, từ đó dễ phát sinh việc trục lợi chính sách.
Đơn cử như, một trong các điều kiện để người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hưởng hỗ trợ là nơi cư trú bất hợp pháp (có hộ khẩu thường trú hoặc giấy đăng ký tạm trú), tuy nhiên những người đi làm xa nhà nhiều tháng mới về nơi thường trú 1 lần, không có đăng ký tạm trú dẫn đến việc xét duyệt hồ sơ của Hội đồng xét duyệt cấp xã gặp nhiều khó khăn vì không biết lao động làm gì, ở đâu?
Công tác rà soát, xác định đối tượng trùng hưởng gặp nhiều khó khăn do không có hệ thống theo dõi thống nhất, chủ yếu rà soát bằng phương pháp thủ công nên mất thời gian và độ chính xác không cao; lao động ngoại tỉnh làm việc tại Hà Nội tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương không có dữ liệu đối chiếu trùng lương.
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết: Do chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ là chưa có tiền lệ, được triển khai trong thời gian ngắn nên khi phát sinh nhiều nội dung chưa được quy định cụ thể nên phải đợi hướng dẫn từ Bộ LĐTB&XH để có hướng dẫn giải quyết.