Tính đến ngày 10/6/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là 17,5 ngàn tỷ đồng. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Việt Nam, đã thực hiện giải ngân hơn 10,5 ngàn tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 10.168.626 người và 2.613 hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, phần lớn người được nhận hỗ trợ theo gói 62.000 tỷ đồng thuộc nhóm đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Theo thống kê, các tỉnh thành đã hỗ trợ cho nhóm đối tượng này là 10.122.075 người với kinh phí là hơn 10.447 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhóm đối tượng là lao động tự do, lao động tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch được hưởng triển khai chậm. Cụ thể, đối tượng là người lao động đã được hỗ trợ 46.551 người với kinh phí là 50,546 tỷ đồng. Số này bao gồm: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tại doanh nghiệp 9.058 người, kinh phí 13,559 tỷ đồng; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.669 người, kinh phí 1,586 tỷ đồng; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc 35.824 người, kinh phí 35,4 tỷ đồng).
Theo thống kê của các trung tâm dịch vụ việc làm 63 tỉnh, thành phố, đến ngày 10/6/2020, cả nước có 478.943 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (bằng 111,7% so với 6 tháng đầu năm 2019). Tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước đến hết tháng 5/2020 là 343.376 người (tăng 18,7% so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2019); với tổng số tiền là 6.028 tỷ đồng (bằng 128% so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2019). Tổng số tiền đã chi trả trợ cấp thất nghiệp đến hết tháng 5/2020 là 4.494 tỷ đồng (bằng 113,8% so với số chi trả 6 tháng đầu năm 2019).
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 10/6/2020, có trên 1.383 đơn vị sử dụng lao động được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 121.505 người lao động, với tổng kinh phí gần 436 tỷ đồng.
Trao đổi về tình trạng số hồ sơ doanh nghiệp đề nghị hưởng hỗ trợ chi trả lương ngừng việc cho người lao động tại Hà Nội ít, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết: Doanh nghiệp có hồ sơ đề nghị hỗ trợ khá ít do điều kiện chưa phù hợp với thực tế. Nếu theo quy định, để được hưởng hỗ trợ, một trong những tiêu chí là người lao động phải làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trong khi đó, những doanh nghiệp không có doanh thu đã phá sản, còn những doanh nghiệp dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì vẫn còn doanh thu”.
Báo cáo mới đây nhất của Bộ LĐTBXH trình Chính phủ cũng thừa nhận việc hỗ trợ người lao động ít hơn so với dự kiến ban đầu do tiêu chí, điều kiện đặt ra ban đầu chặt chẽ. Do quy định doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ phải chứng minh tài chính nên doanh nghiệp e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, không chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động.