Tăng 440 ca nhiễm COVID-19 trong nước
Tính từ 16 giờ ngày 14/11 đến 16 giờ ngày 15/11, Việt Nam ghi nhận 8.616 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Tây Ninh có số mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó.
Trong số các ca nhiễm mới có 13 ca nhập cảnh và 8.603 ca ghi nhận trong nước (tăng 440 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố (có 3.950 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Tây Ninh (tăng 247 ca), Tiền Giang (tăng 226 ca), TP Hồ Chí Minh (tăng 180 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 8.341 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.035.138 ca nhiễm. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.030.096 ca, trong đó có 861.699 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 1.205 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 864.516 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.950 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 14/11 đến 17 giờ 30 ngày 15/11, Việt Nam ghi nhận 101 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 84 ca.Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.183 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.
Hà Nội ghi nhận kỷ lục 289 ca nhiễm SARS-CoV-2
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 14/11 đến 18 giờ ngày 15/11 Hà Nội ghi nhận 289 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong đó có 47 ca cộng đồng, 178 ca trong khu cách ly và 64 ca trong khu phong tỏa.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 6.331 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.318 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 4.013 ca.
Tại công trường Công ty xây dựng PART CITY (phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông, TP Hà Nội), lực lượng y tế ghi nhận 18 người có kết quả dương tính với. Ngoài ra, 4 trường hợp khác cũng test nhanh dương tính virus SARS-CoV-2.
Ngay sau khi ghi nhận nhóm người nghi nhiễm COVID-19 kể trên, UBND phường Yên Nghĩa đã tiến hành phong tỏa tạm thời công trường xây dựng PART CITY để tiến hành điều tra, truy vết, khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm.
Chiều 15/11, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Chinh, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho biết vừa ra thông báo khẩn về việc tạm dừng hoạt động trụ sở Đảng ủy - UBND phường Hoàng Liệt từ 8 giờ cùng ngày, sau khi xác định một nhân viên văn phòng mắc COVID-19.
TP Hồ Chí Minh: Nhiều quận, huyện tăng F0
Chiều 15/11, UBND TP Hồ Chí Minh đã công bố cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố ở cấp độ 2, giữ nguyên như 3 tuần trước. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là số quận, huyện “vùng xanh” đã giảm và số địa phương “vùng vàng” lại tăng.
Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố đang điều trị cho 12.179 bệnh nhân; trong đó có 646 trẻ em dưới 16 tuổi, 258 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 14/11, Thành phố có 1.150 bệnh nhân nhập viện, 713 bệnh nhân xuất viện và 45 trường hợp tử vong. TP Hồ Chí Minh hiện đang có 47.000 F0 đang điều trị tại nhà.
Theo thông báo mới nhất của UBND TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có dịch ở cấp độ 2.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, số lượng F0 tăng hầu hết ở các quận, huyện vùng ven như Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 12, Gò Vấp và thành phố Thủ Đức. Số F0 này đa số là công nhân làm việc tại các doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp sinh sống tại các địa phương trên.
Theo thống kê, hiện TP Hồ Chí Minh có 47.000 F0 đang điều trị tại nhà, chiếm tỷ lệ 73% trên tổng số ca mắc COVID-19 đang điều trị.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, dù số ca bệnh tại một số địa phương có xu hướng tăng nhưng tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát của thành phố. Thành phố luôn quán triệt quan điểm của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 là bao giờ cũng phải chuẩn bị trước một bước và trên một mức để chủ động trước các tình huống.
Ông Nguyễn Hữu Hưng cũng cho biết, tùy theo tình hình dịch bệnh, ngành y tế sẽ duy trì hoặc thành lập các trạm y tế lưu động mới ở các phường, xã và quận, huyện. Số trạm y tế lưu động này được thành lập phải tương xứng với số ca F0 cần chăm sóc ở quận, huyện đó. Đến nay, ngành y tế cũng đã tăng cường 70 trạm y tế lưu động cho các quận, huyện có số F0 tăng.