Đắt hàng làm quà biếu TếtĐều đặn tuần một lần, chị Đào Thị Phượng (Thanh Xuân, Hà Nội) lại đưa con cái về quê ở Bắc Ninh thăm ông bà, đồng thời lấy thực phẩm dùng cho cả gia đình. Dù chỉ là vài mớ rau, mấy nải chuối, vài cân thịt, thậm chí là gia vị hành tỏi nhưng chị đều cẩn thận mang từ quê lên. “Nhà có con nhỏ nên tôi hầu như không dám mua đồ ngoài chợ vì không tin tưởng vào nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng thực phẩm. Đồ mua từ quê tuy không thể phong phú như ở chợ nhưng quan trọng nhất là đảm bảo an toàn thực phẩm”, chị Phượng chia sẻ.
Ngày càng nhiều bà nội trợ lựa chọn những thực phẩm sạch, có xuất xứ từ quê nhà. Ảnh: Hồ Câu - TTXVN |
Nhiều bà nội trợ cũng cho biết, thực phẩm quê tuy mẫu mã không được đẹp, không sử dụng chất kích thích nên thời gian chăn nuôi, trồng trọt lâu hơn nhưng đổi lại có vị ngọt thơm đậm đà, tự nhiên hơn những mặt hàng cùng loại bán ngoài chợ. Đặc biệt, vào thời điểm cận Tết, nhu cầu thực phẩm tăng mạnh cùng với nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm thì những mặt hàng gắn mác “quê” ngày càng được săn lùng hơn.
Chị Lê Thị Hồng Nhung (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, chị đã chung tiền với đồng nghiệp cùng cơ quan mua chung một con lợn lửng và nhiều loại rau củ từ Lào Cai để dự trữ cho những ngày Tết sắp tới. Theo chị Nhung, việc chung nhau như vậy vừa dễ mua lại vừa được ăn sản phẩm tươi ngon. “Tuy giá thực phẩm sạch đến tay người mua phải cộng phí vận chuyển cao hơn hẳn ngoài chợ nhưng vẫn được ưa chuộng vì ngon và đảm bảo an toàn", chị Nhung cho biết.
Không chỉ đơn giản là thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày, thực phẩm sạch gắn mác “quê” cũng trở thành món quà độc, lạ để biếu Tết. Thay vì biếu người thân, họ hàng bánh kẹo hay những chai rượu đắt tiền, rất nhiều người đã lựa chọn những món quà quê sạch, ngon hoặc những đồ đặc sản để làm quà.
Chị Thu Hương (Kim Mã, Hà Nội) cho biết: “Mình quê ở Lạng Sơn nhưng lấy chồng ở Hà Nội nên đợt vừa rồi mình về quê đã mua rất nhiều loại đặc sản như: Măng rừng, rau rừng, lạp xưởng, thịt trâu gác bếp, thịt lợn rừng hun khói… để biếu họ hàng nhà chồng dịp Tết thay vì mua bánh kẹo, hoa quả như năm ngoái”.
Nhộn nhịp mua bánNắm bắt được tâm lý người tiêu dùng, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm quê đã được mở ra, thu hút đông đảo người mua. Theo chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm quê Nghệ An, Hà Tĩnh trên phố Láng Hạ (Hà Nội), cách đây cả tháng cửa hàng bắt đầu nhộn nhịp khách đặt hàng ăn Tết. Trong đó, các mặt hàng như cam Vinh, gà, bưởi Phúc Trạch, tôm sú, cá thu, bánh đa nem, giò bê Nghệ An, nấm… được khách đặt khá nhiều.
Không khí mua bán thực phẩm quê cũng diễn ra sôi nổi trên nhiều diễn đàn hay các website mua sắm. Trên diễn đàn lamchame.com, webtretho.com, hay cả facebook thông tin rao bán thực phẩm quê được nhiều bà nội trợ vào xem, mua hàng và góp ý. Chị Đinh Thị Kim Hằng, chủ gian hàng online trên diễn đàn lamchame.com chia sẻ: “Quê mình ở Bắc Kạn nên mình thường xuyên mang đặc sản từ quê nhà xuống để bán như: miến dong, lạp sườn, tôm chua… Vì cung cấp thực phẩm quê chính gốc, sạch nên khách hàng thích lắm. Đặc biệt, những ngày gần Tết, khách đặt miến dong và lạp sườn tăng hơn nhiều so với ngày thường, thậm chí có ngày tăng gấp rưỡi”.
Tuy nhiên, hầu hết các nguồn cung cấp thực phẩm quê đều do người bán quảng cáo và người mua tự kiểm chứng chất lượng bằng mắt nhìn chứ không hề qua cơ quan kiểm định chất lượng như hàng hóa bày bán trong siêu thị. Có không ít người lợi dụng tâm lí chuộng thực phẩm quê, trà trộn bán những sản phẩm chỉ gắn "mác" quê để kiếm lợi từ túi tiền của các bà nội trợ. Vì thế, các bà nội trợ nên tìm mua sản phẩm sạch tại các cửa hàng quen hoặc tại gian hàng mà nhiều người tin tưởng đặt hàng trước đó.