Ngăn chặn thực phẩm bẩn mùa Tết

Trong thời gian gần đây, các lực lượng chức năng liên tục phát hiện các cơ sở cung cấp các loại thực phẩm bẩn, hết hạn, ôi thiu, không rõ nguồn gốc… ra thị trường, khiến nhiều gia đình không khỏi lo lắng.

Đặc biệt, khi thời điểm Tết Nguyên đán sắp tới, người dân đang tự hỏi mua thực phẩm sạch, an toàn ở đâu để đón Tết.

Thực phẩm bẩn chạy đua dịp Tết

Tối 18/1, Cảnh sát giao thông của tỉnh Thanh Hóa làm nhiệm vụ trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã kiểm tra xe tải BKS 75C-046.99, do Trần Việt Dũng (SN 1984, trú tại phường Thuận Hòa - TP Huế) điều khiển. Khi kiểm tra, phát hiện xe tải chở đầy các bao tải chứa mực khô bốc mùi hôi thối. Toàn bộ số hàng có khối lượng 20,4 tấn, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và đang được vận chuyển từ Quảng Ngãi ra Hà Nội tiêu thụ. Đây cũng vụ bắt giữ thực phẩm bẩn lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Lực lượng chức năng tỉnh Ninh Bình kiểm tra lô hàng nội tạng động vật không rõ nguồn gốc bị bắt giữ ngày 14/12/2015. Ảnh: Ninh Đức Phương-TTXVN

Cũng trong ngày 18/1, lực lượng chức năng xã Gia Kiệm, Đội quản lý thị trường số 11 và Công an huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) bất ngờ kiểm tra lò giết mổ heo tại ấp Đông Kim (xã Gia Kiệm) do Trương Hoàng Mộng Ngân (27 tuổi) làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều thịt và nội tạng heo được vứt bừa bãi giữa sàn nhà. Kiểm tra các thùng xốp trong nhà, cơ quan chức năng phát hiện nhiều con heo đã được xẻ thịt, ngả màu, bốc mùi hôi thối, ướp trong thùng đá, chờ mang đi tiêu thụ. Tổng trọng lượng số thịt và nội tạng heo bị cơ quan phát hiện hơn 900 kg. Cơ quan chức năng huyện Thống Nhất đã lập biên bản vi phạm hành chính đồng thời tiến hành tiêu hủy toàn bộ số thịt heo trên theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 14/1, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện một số lượng lớn rau, củ, quả và thực phẩm của Công ty Trung Thành cung cấp cho trường Tiểu học Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) không có nguồn gốc. Theo cam kết của công ty và nhà trường với phụ huynh học sinh, rau cung cấp cho nhà trường phải là rau an toàn và có nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, số rau và thịt này lại không hề có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Thực trạng trên khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, càng dịp Tết, các vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn, hết hạn… càng nhiều. Gần đây, các cơ quan chức năng phát hiện ra hàng tấn thịt thối, chuẩn bị được tẩm ướp để đưa ra thị trường.

“Người tiêu dùng ngày càng lo lắng trước tình hình an toàn thực phẩm. Ví dụ rau, mua ở đâu an toàn? Vào siêu thị, mặc dù rau có gắn mác an toàn nhưng thực tế vẫn chưa an toàn, vì nhiều vụ việc rau không an toàn trà trộn vào siêu thị bị phát hiện. Người tiêu dùng còn lo ngại về thịt tạo nạc, gà nuôi bằng vàng o, chuối rấm bằng thuốc diệt cỏ… không khỏi hoang mang, đặc biệt khi Tết Nguyên đán sắp tới”, ông Hùng nói thêm.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng tăng rất cao trong nhân dân. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu sẽ hoạt động hết công suất. Đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất theo mùa vụ, ví dụ như một số cơ sở sản xuất mứt Tết, nhập khẩu cũng tăng lên đột biến trong một thời gian ngắn. Nếu không có kế hoạch đảm bảo tốt an toàn thực phẩm thì rất dễ dẫn đến tình trạng các sản phẩm không đảm bảo an toàn, trà trộn, đưa ra thị trường.

Lấy mẫu xét nghiệm để xử lý tại chỗ

Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết, Bộ NN&PTNT cũng như Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, lấy mẫu tại chỗ và xử lý ngay những cơ sở vi phạm.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu chỉ đạo giúp việc về an toàn thực phẩm, chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo Bộ Y tế, thường trực Ban chỉ đạo liên ngành TƯ về an toàn thực phẩm ban hành kế hoạch 1066, bảo đảm an toàn thực phẩm cho Tết Nguyên đán 2016, lễ hội mùa xuân 2016. Trong đó, tập trung vào hai hoạt động chủ yếu là: truyền thông pháp luật, kiến thức mua bán, sử dụng thực phẩm an toàn vệ sinh và tăng cường kiểm tra.

“Chúng tôi sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ TƯ xuống địa phương. Trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất lớn trong dịp Tết, từ thịt, cá, trứng tới bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, rau củ quả. Ngoài ra, sẽ tập trung thanh tra ở các thành phố lớn, chợ đầu mối, các địa điểm trung chuyển các nguồn hàng đi về các tỉnh, cửa khẩu. Kết hợp lấy mẫu để có thể xử lý tại chỗ. Đồng thời, công bố các sai phạm này trên phương tiện truyền thông đại chúng”, ông Phong cho biết thêm.

Cùng với Bộ Y tế, đại diện lực lượng Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, tiếp tục xác định năm 2016 là năm an toàn thực phẩm. Bộ đã ban hành Kế hoạch tháng cao điểm hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm kéo dài cho tới hết Tết Nguyên đán. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT đã xúc tiến hai chương trình cung ứng sản phẩm an toàn. Hai thành phố cũng đã công nhận nhiều địa điểm bán sản phẩm an toàn. Trên thực tế, có tới 95% sản phẩm là an toàn, phải chỉ cho người dân thấy điều đó. Bộ NN&PTNT cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát hàng nhập khẩu, chỉ đạo các đơn vị liên quan quyết liệt ngăn chặn từ cửa khẩu.

Bên cạnh công tác thanh tra, ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội cho biết, khi một địa phương nào có một sản phẩm lỗi thì chi cục quản lý chất lượng hoặc các đơn vị đang thực hiện liên kết sẽ thông báo ngược trở lại, để từ đó có biện pháp kiểm soát sản phẩm. Đặc biệt, dịp cuối năm, sẽ tổ chức khoảng 10 hội chợ thực phẩm an toàn để phục vụ người dân Thủ đô.

Hiện Việt Nam có 10 triệu hộ nông dân chăn nuôi, trồng rau, thả cá… hơn 500.000 cơ sở chế biến thực phẩm, trong đó 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ. Đơn vị quản lý chính các hộ này là cơ quan quản lý thực phẩm ở tuyến xã, phường, quận, huyện. Do đó, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ngoài Nhà nước, vai trò của hiệp hội ngành hàng là quan trọng. Vì Nhà nước không thể giám sát mãi được.Ví dụ, vụ việc rau sạch tại Đông Anh, đây là làng nghề thì phải giữ, giám sát lẫn nhau, không thể để tình trạng mỗi hộ có luống rau dùng riêng cho nhà mình, các luống rau còn lại để bán ra thị trường. Do đó, khi phát hiện các cơ hộ gia đình vi phạm an toàn thực phẩm, thì các hộ khác phải báo cho cơ quan chức năng.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ thí điểm thanh tra chuyên ngành thực phẩm ở hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Hy vọng, sau 1 năm triển khai, nếu thành công sẽ cho phép triển khai ở các tỉnh khác”. 

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế


Hữu Vinh
Quyết liệt với thực phẩm bẩn
Quyết liệt với thực phẩm bẩn

Các vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra thời gian qua, với hàng nghìn người mắc là hậu quả của thực phẩm “bẩn”, thực phẩm tồn dư hóa chất, kém chất lượng... đang tràn ngập trên thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN