Chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) lại nóng và cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng như hiện nay. Bộ Y tế cũng đang nỗ lực phối hợp với liên ngành Vệ sinh ATTP để tăng cường thanh, kiểm tra, phát hiện các vụ vi phạm và xử lý kịp thời, bảo vệ sức khỏe người dân.
Nhiều vụ nghiêm trọng
Thời gian gần đây, cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc tập thể. Đặc biệt là một số vụ nghiêm trọng vừa qua như: Vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) làm 89 công nhân mắc và phải nhập viện do thức ăn chế biến sẵn từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bên ngoài khu công nghiệp; hay vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Giầy da Amara (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) làm 59 người mắc và 56 người phải nhập viện... Mặc dù khi có các thông tin về các vụ ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã nhanh chóng vào cuộc kịp thời xử lý, điều tra xác minh nguyên nhân và xử phạt các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm; tuy nhiên các vụ ngộ độc tập thể vẫn đang có xu hướng gia tăng.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tăng cường kiểm tra tại các bếp ăn tập thể. Ảnh: vfa.ov.vn |
Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, chỉ tính từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, cả nước ghi nhận 150 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.077 người mắc, 21 người tử vong. Trong số đó, riêng bếp ăn tập thể có 33 vụ, làm 2.302 người mắc, 2.268 người phải nhập viện. Riêng trong tháng 11, đã ghi nhận 3 vụ ngộ độc tập thể lớn tại các khu công nghiệp, làm hàng trăm công nhân phải nhập viện. Đặc biệt, 70% số vụ ngộ độc là do cơ sở cung cấp thức ăn sẵn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình vận chuyển, bảo quản thức ăn và 30% do bếp ăn tại chỗ.
Cũng theo bà Nga, năm 2015, tuy số vụ ngộ độc trong cả nước đã giảm cả 3 chỉ số: số vụ, số mắc và số tử vong, nhưng mức độ các vụ ngộ độc lại nghiêm trọng hơn, đặc biệt là các vụ ngộ độc tập thể, nhất là tại các khu công nghiệp có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân của tình trạng này là do các doanh nghiệp còn đầu tư suất ăn quá rẻ cho công nhân, khiến các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn phải sử dụng các loại thực phẩm không đảm bảo để chế biến, gây ra các vụ ngộ độc tập thể.
Các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm “bẩn”, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt... đang là nguyên nhân chính gây ra các vụ ngộ độc, về lâu dài còn gây nhiều bệnh nguy hiểm. Vừa qua, rất nhiều vụ vận chuyển thịt thối, chế biến mỡ bẩn... liên tục được phát hiện, bắt giữ khiến người dân hoang mang. Nếu không bị phát hiện, các loại thực phẩm “bẩn” này chắc chắn sẽ được tuồn ra thị trường, được tẩm hóa chất để trở nên tươi ngon và đi vào các bàn ăn, các suất ăn sẵn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. “Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, cần phải lên án, cần sự phối hợp hành động của người dân. Khi biết thông tin các cơ sở vi phạm về ATTP, người dân cần liên hệ ngay với đường dây nóng của Cục ATTP có trên trang web của Cục, hoặc chi cục ATTP tại địa phương để kịp thời xử lý, ngăn chặn. Chúng tôi cũng có một bộ phận chuyên theo dõi và tiếp nhận thông tin về ATTP, khi có các thông tin vi phạm được phản ánh, ngay lập tức bộ phận thanh kiểm tra sẽ vào cuộc để xác minh thông tin và xử lý kịp thời”, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế cho biết.
Quyết liệt kiểm tra, xử phạt
Năm 2015 là năm trọng điểm về ATTP, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Liên ngành VSATTP tiến hành rất quyết liệt công tác thanh, kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm VSATTP.
Theo TS Nguyễn Thanh Phong: “Năm 2015, kinh phí Nhà nước cấp cho hoạt động đảm bảo ATTP bị cắt giảm 60% so với năm 2014. Mặc dù rất khó khăn để hoạt động, nhưng công tác đảm bảo VSATTP vẫn được triển khai rất mạnh mẽ. Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành thanh tra 251 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 4,56 tỷ đồng, nộp vào ngân sách Nhà nước; thu hồi 74 giấy tờ xác nhận công bố đảm bảo VSATTP, thu hồi 66 lô sản phẩm vi phạm, tiêu hủy 253 kg sản phẩm kém chất lượng, chuyển sang đơn vị khác xử lý 15 trường hợp...”.
Để tăng cường công tác thanh, kiểm tra, vừa qua Bộ Y tế cũng đã phối hợp với liên ngành VSATTP thí điểm triển khai lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP tại các xã, phường ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ, “cầm tay chỉ việc” tận nơi cho các lực lượng này. Các cơ sản xuất, chế biến thực phẩm hầu hết là nhỏ lẻ, chủ yếu là thức ăn đường phố nên việc tăng cường quản lý ATTP tại các xã, phường được coi là một bước đột phá mới để tạo nên mạng lưới thanh, kiểm tra sát sao hơn.
TS Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết, thời gian tới, ngoài việc tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tuyên truyền cho người dân có thêm kiến thức về ATTP, Cục ATTP sẽ tổ chức cho các địa phương gần nhau có thể kiểm tra chéo để học tập cách quản lý về phòng, chống, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, rất cần thiết phải nâng cấp, tăng cường các phòng kiểm nghiệm để hỗ trợ công tác xác minh chất lượng thực phẩm. Nâng cao năng lực của các chi cục để có thể đảm bảo công tác thanh, kiểm tra, tiếp nhận và xử lý thông tin về ATTP tại các địa phương.
Để hạn chế thực trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế sẽ quản lý chặt việc nhập khẩu, buôn bán chất Salbutamol dùng để tạo nạc trong chăn nuôi. Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo: Phải xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và kịp thời công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi phát hiện các cơ sở vi phạm, Cục An toàn thực phẩm sẽ đăng ngay thông tin “bêu” tên lên trang web của Cục để thông báo tới người dân.
Trước mắt, việc tăng cường công tác đảm bảo VSATTP trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân sắp tới vô cùng cấp thiết. Bộ Y tế cho biết, có 6 đoàn thanh tra liên ngành đã được thành lập, sẽ tiến hành thanh, kiểm tra các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm ở 12 tỉnh, thành phố trọng điểm tại các địa phương với mục tiêu sẽ giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm so với năm 2015. Trọng tâm thanh, kiểm tra là các mặt hàng tiêu dùng nhiều vào dịp Tết như: rượu, bia, nước giải khát, thịt, các loại bánh truyền thống… “Cơ sở nào không đảm bảo thì rút giấy phép, kiên quyết không để các cơ sở đó cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng. Nếu vi phạm xử lý nghiêm, những cơ sở vi phạm sẽ đưa lên thông tin đại chúng để người dân biết”, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết.