Thiếu nước sinh hoạt ở vùng thủy điện

Công tác quản lý, sử dụng sau đầu tư các công trình nước sinh hoạt chưa được quan tâm đúng mức, ý thức trách nhiệm người dân còn hạn chế, từ đó dẫn đến việc nhiều công trình đầu tư xây mới hay sửa chữa đưa vào khai thác sử dụng sau một thời gian đã “cạn nước, trơ đáy”.

Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, nhiều công trình nước sinh hoạt trên địa bàn huyện miền núi Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã mang lại lợi ích thiết thực.

Tuy nhiên, nằm ngay dưới chân đập thủy điện Bản Chát, gần 100 hộ đồng bào dân tộc Thái ở bản Nà É 1, xã Mường Kim, huyện Than Uyên đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Bản Nà É 1 có khoảng 8 bể chứa nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng từ thời điểm năm 2010, đến giữa năm 2013 được sửa chữa lại nhưng tới nay đều đã không thể cấp nước cho người dân.

Có nhà dựng cạnh sát bể nước bỏ không nên mọi lý do bể nước không sử dụng được ông Đường Văn Hặc, Trưởng bản Nà É 1 nắm khá rõ: “Sau khi bể hoàn thành chỉ cấp nước được khoảng 1 tuần sau đó thì không có. Chúng tôi đi tìm hiểu thì đập đầu mối cạn nước, nhiều đoạn ống dẫn bị đất đá nhét vào. Trước khi xây dựng đã có đoàn đến tư vấn, khảo sát địa điểm để xây bể nhưng không tham khảo ý kiến bà con, dẫn đến việc đầu mối thiếu nguồn nước, dây dẫn không phù hợp điều kiện địa hình”.

Để có nước sinh hoạt cho gia đình, Trưởng bản Đường Văn Hặc đã phải bỏ ra hàng chục triệu đồng đào giếng. "Nước giếng cũng chỉ có thể dùng rửa tay chân, giặt quần áo và mùa khô thì cạn nước. Còn nước ăn thì phải đi xin nhà hàng xóm", ông Hặc ngán ngẩm nói.

Anh Phong Văn Mích ở bản Mường 2, xã Mường Kim tâm sự: “Nhà có 4 nhân khẩu, bể nước sinh hoạt nằm ngay trước cửa nhà nhưng từ khi xây dựng đến nay, chưa cung cấp được nước. Nguyên nhân do đầu mối đặt phía trên suối gần khu vực thả gia súc nên nước ô nhiễm, bà con không sử dụng dẫn đến công trình bỏ không. Ngày nào gia đình cũng phải vất vả đi lấy từng can nước về sử dụng sinh hoạt hàng ngày, vừa bất tiện, vừa mất thời gian, nước lại không đảm bảo”.

Qua quan sát, hầu hết bể nước trong bản đều rơi vào tình trạng khô cong, trong bể đầy rác, ống dẫn đều không còn. Anh Soi Văn Phát – cán bộ xã Mường Kim, huyện Than Uyên cho biết, nhiều bản hiện nay, các bể nước đều trong tình trạng “cạn đáy”, đập đầu mối, ống dẫn đều hư hỏng một phần do thiên tai và phần do ý thức người dân. Không chịu được cảnh thiếu nước, nhiều gia đình đã phải tự bỏ ra hàng triệu đồng mua ống dẫn từ khe suối ở rất xa về sử dụng.

Tại nhiều địa phương khác ở huyện Than Uyên, các công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân cũng rơi vào tình trạng “khát”. Đa phần là do đập đầu mối bị hỏng, tắc, đường ống dẫn nước bị chặt phá, đứt gãy, bể nước không được thau rửa bảo quản. Đơn cử tại xã tái định cư Tà Mung có 13 công trình nước sinh hoạt kéo về các bản và trung tâm xã nhưng có đến 8 công trình chỉ hoạt động cầm chừng; 3 công trình kém hiệu quả.

Từ các nguồn vốn chương trình, dự án như 30a, 134, 135, trái phiếu Chính phủ, tái định cư… trên địa bàn huyện Than Uyên có 112 công trình cấp nước sinh hoạt xây dựng từ những năm 2007, với hàng trăm tỷ đồng. Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2011- 2015, đã có 86 công trình nước được sửa chữa, xây dựng mới với trên 95 tỷ đồng; cung cấp cho hơn 5.600 hộ dân toàn huyện. Song đến nay, hầu hết các công trình đã không còn hoạt động hiệu quả.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn huyện Than Uyên, do người dân sống không tập trung, địa hình phức tạp nên các công trình nước thường có tuyến dài khi xảy ra thiên tai dễ bị hư hỏng. Một bộ phận nhân dân còn thiếu ý thức trách nhiệm trong việc bảo quản, vận hành cũng như phá tuyến ống dẫn đến công trình không phát huy được năng lực theo thiết kế.


Các nguồn vốn đầu tư cấp nước sinh hoạt hầu hết đều có giao xã làm chủ đầu tư, quy trình thực hiện như khảo sát chọn nguồn nước, lựa chọn nhà thầu, tư vấn đôi khi không tham khảo ý kiến người dân nên công trình sau thời gian hoạt động thì “cạn nước”. Bên cạnh đó, khi đầu tư xây dựng thiết bị ống dẫn nước không phù hợp thực tế địa hình, dễ gây ách tắc hay bị đứt khi có yếu tố khách quan mang lại.

Ông Vương Thế Mẫn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: “Việc quản lý, sử dụng sau đầu tư ở một số chương trình, dự án cấp nước sinh hoạt còn hạn chế, một số công trình xuống cấp nhanh. Trong khi trình độ năng lực quản lý về đầu tư xây dựng ở cấp xã còn bộc lộ yếu kém, chủ yếu trông chờ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cơ quan chuyên môn huyện. Huyện kiến nghị cấp thẩm quyền nên đầu tư bổ sung hệ thống ống dẫn đến từng hộ, lắp đồng hồ, thu tiền sử dụng nước đảm bảo duy tu bảo dưỡng thường xuyên”.

Hiện nay, 100% công trình cấp nước sinh hoạt đã được Ủy ban nhân dân các xã giao cho tổ quản lý tại thôn bản, xây dựng quy chế hoạt động, đôn đốc nạo vét, vận hành đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Để phát huy hiệu quả, cấp ngành, địa phương cần tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức nhân dân trong bảo quản, sử dụng để phát huy tối đa công trình sau đầu tư.

Ngoài ra, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của chủ đầu tư, lựa chọn các nhà thầu có năng lực trong thi công cũng như tăng cường kiểm tra giám sát, nhất là giám sát cộng đồng nơi được thụ hưởng… Qua đó, góp phần giảm thiểu lãng phí tiền của của Nhà nước; người dân sở tại không còn đối mặt với nghịch lý: Sinh sống trong vùng thủy điện mà lại thiếu nước sinh hoạt.

Quang Duy (TTXVN)
Kiệt quệ hồ chứa thủy lợi, thủy điện
Kiệt quệ hồ chứa thủy lợi, thủy điện

Đến nay, mới quá nửa chặng đường của mùa khô nhưng hàng chục hồ chứa các loại khu vực Nam Trung Bộ đã trong tình trạng kiệt quệ về nguồn nước. Nhiều hồ chứa thậm chí đã khô cạn trơ đáy cả tháng qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN