Công trình thủy điện An Khê - Kanak được khởi công xây dựng trên địa bàn huyện Kbang, tỉnh Gia Lai năm 2005 và bắt đầu tích nước lòng hồ năm 2010. Để nhường đất cho công trình thủy điện này, gần 300 hộ dân trong vùng thủy điện đã rời bỏ nơi ở gắn bó bao đời để chuyển đến khu tái định cư mới.
Bén rễ xanh câyVề các làng tái định cư ở xã ĐăkSmar, cảm nhận rõ sự đổi thay, mới mẻ trong cuộc sống của người dân. Những ngôi nhà kiên cố khang trang, sạch đẹp nằm san sát hai bên con đường bê tông dẫn thẳng từ đầu làng đến cuối làng, nơi đâu có nhà là có đường bê tông tới đó. Hệ thống đường điện, nước sạch sinh hoạt cùng các công trình phụ trợ khác cũng đã được đưa đến từng hộ gia đình, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Khu khu tái định cư ở xã Đăk Smar. |
Niềm vui càng được nhân lên khi các diện tích đất canh tác đã được bố trí đầy đủ cho các hộ dân và phủ kín một màu xanh của cao su, cà phê, lúa và bắp. Những khó khăn do thiếu lương thực của những ngày đầu chuyển về nơi ở mới giờ đã được giải quyết. Cùng với cây lương thực (lúa và bắp), cây cà phê cũng đã cho thu hoạch và cuộc sống của người dân đã ngày càng ổn định.
Không giấu được niềm vui, anh Đinh Blươi ở làng Cam, xã Đắk Smar, hồ hởi cho biết: Cuộc sống của người dân trong làng giờ đã thay đổi rõ rệt, dân làng được ở gần nhau rất vui, đầm ấm và gắn kết. Mọi người đã có ý thức tập trung sản xuất, biết áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su, cà phê để xóa đói, giảm nghèo. Như mọi người dân trong làng, gia đình anh được xây nhà kiên cố và cấp 1,9 ha đất sản xuất. Sau khi được cấp đất, anh tập trung trồng cao su và cà phê, hiện 9 sào cà phê của gia đình đã cho thu bói được 7 tấn quả.
Bà con khu tái định cư ở xã Đăk Smar thu hoạch bắp. |
Trên khắp các cánh đồng bắp đang trong vụ thu hoạch hân hoan tiếng nói, tiếng cười của bà con. Những thành quả đầu tiên từ cây cà phê, lúa và bắp đang mở ra hy vọng về một cuộc sống mới ổn định và đầy đủ hơn. Ông Nguyễn Tiến Hào, Phó Chủ tịch xã ĐăkSmar, cho biết: Cuộc sống của bà con khu tái định cư đã ổn định, đất sản xuất cấp cho bà con được chia làm 2 khu vực: Khu vực đất đồi hướng dẫn bà con tập trung trồng cao su, cà phê, khu vực đất thuận lợi nguồn nước thì chuyển đổi sang trồng lúa nước 2 vụ. Hiện bà con đã có đủ nguồn lương thực, tương lai cuộc sống của bà con sẽ tốt hơn so với nơi ở cũ vì tập quán canh tác trước đây lạc hậu. Tuy nhiên, khó khăn nhất với chính quyền xã hiện nay là quỹ đất của địa phương đã cạn kiệt, nếu tách hộ thì người dân sẽ thiếu đất sản xuất.
Vườn cao su của bà con khu tái định cư ở xã Đăk Smar. |
Để tích nước công trình thủy điện An Khê - Kanak, gần 300 hộ dân phải di dời đến 5 điểm tái định cư. Giai đoạn đầu chuyển đến nơi ở mới, nhiều hộ dân lâm vào cảnh đói nghèo do những bất cập phát sinh từ hậu tái định cư, gây bức xúc kéo dài trong nhân dân. Ông Phạm Xuân Trường, Phó Chủ tịch huyện Kbang cho biết: Đến thời điểm này, những khó khăn, vướng mắc về công tác tái định cư, tái định canh cho các làng đồng bào liên quan đến Dự án thủy điện An Khê - Kanak đã cơ bản được giải quyết. Nhà ở, đất sản xuất, các công trình dân sinh đã được đầu tư bài bản, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cho người dân. Hiện cuộc sống của đồng bào tại 5 điểm tái định cư đã đi vào ổn định, người dân an tâm lao động, sản xuất góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới cũng như phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Năm năm chuyển đến nơi ở mới, chưa năm nào người dân vùng tái định cư thủy điện An Khê - Kanak lại có niềm vui, lạc quan như năm nay. Một mùa xuân mới lại về trên vùng đất mới, bao lo toan, khó nhọc cũng dần vơi đi để nhường chỗ cho sức sống mới với niềm tin mới về một cuộc sống ấm no, đủ đầy trên vùng đất tái định cư.