Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 nằm trên địa phận huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam bắt đầu phát điện từ cuối năm 2010 với sản lượng điện trung bình hàng năm đạt khoảng 679 triệu kWh. Nằm cách Nhà máy thủy điện sông Tranh 2 khoảng 15 km đường rừng nhưng thôn 5 thuộc xã Trà Đốc vẫn chưa có điện lưới.
Thôn có 77 hộ với hơn 300 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Cadong, sinh sống tập trung theo từng nóc. Mặc dù là ban ngày nhưng trong nhà của người dân vẫn rất tối và chỉ có lấp ló ánh sáng từ những bếp đun, đặt ở giữa nhà. Già làng Nguyễn Văn Sếp, Trưởng nóc ông Sếp chia sẻ: Nơi đây vẫn thiếu ánh sáng của điện lưới quốc gia. Có điện lưới bà con trong nóc mới phát triển được sản xuất, mới xem được tivi, trẻ con dễ dàng học bài vào buổi tối được.
Ở thôn 5, để có gạo ăn hàng ngày những người phụ nữ trong thôn vẫn phải giã gạo trong những chiếc cối gỗ. Nhà nào có xe máy thì chở thóc xuống xã Trà Tân cách thôn 25km để xay xát nhưng vào mùa mưa đi lại khó khăn thì vẫn phải dùng phương pháp giã gạo từ bao đời nay.
Vì khao khát ánh sáng điện, cách đây 2 năm người dân ở nóc ông Sếp đã cùng nhau chung tiền mua một máy phát điện tuabin nhỏ đặt ở dưới suối nhưng dòng điện rất yếu và thường xuyên bị cháy bóng nên người dân vẫn gắn bó với những chiếc đèn dầu.
Việc thiếu điện lưới cũng ảnh hưởng đến việc dạy và học của học sinh ở điểm trường thôn 5 nơi có 60 học sinh tiểu học và 24 học sinh mầm non. Thầy giáo Đoàn Văn Biểu chia sẻ: Vào mùa mưa nếu học sinh học hai buổi thầy cô thường phải cho học sinh lên lớp sớm vì trời về chiều ở miền núi nhanh tối không đủ ánh sáng cho các em học. Các thầy cô giáo ở đây phần lớn từ nơi khác đến công tác phải ở nội trú tại trường nhưng thôn chưa có điện nên cũng rất khó khăn trong sinh hoạt.
Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho biết: Thôn 5 là thôn “trắng” về điện lưới của xã nhưng ở một vài tổ, nóc của các thôn khác dòng điện lưới cũng chưa được kéo tới trong khi Nhà máy thủy điện sông Tranh 2 đóng trên địa bàn xã. Chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả, mong muốn của người dân cũng như chính quyền là cấp trên cần quan tâm nghiên cứu đầu tư đưa điện lưới quốc gia về thôn 5 vào cuối năm 2016.
Theo ông Nguyễn Hữu Sự, Phó phòng phụ trách Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bắc Trà My, toàn huyện có 80 thôn nhưng có tới 6 thôn chưa có điện lưới. Đây đều là những thôn đặc biệt khó khăn, địa hình đồi núi cách trở, dân cư sống thưa thớt nên chi phí đầu tư để kéo điện lưới về các thôn này rất lớn, khoảng 10 tỷ đồng.
Địa phương rất cần sự hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương để mơ ước có điện lưới quốc gia về tới từng gia đình của đồng bào dân tộc sinh sống quanh Nhà máy thủy điện sông Tranh 2 sớm thành hiện thực.