Sự thật về sản phụ 15 tuổi sinh con, phải đi ăn xin, bị đánh 'lên bờ xuống ruộng'

Đại tá Phạm Quang Chung, Trưởng Công an thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) vừa ký Báo cáo số 410/BC-CATP khẳng định, thông tin đăng trên mạng xã hội về sản phụ dưới 16 tuổi sinh con tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu gây xôn xao dư luận trong mấy ngày qua là hoàn toàn không đúng sự thật.

Báo cáo nêu rõ, nội dung bài viết đăng trên trang Facebook của chủ nhân M.D nói về sản phụ là không có căn cứ. Đồng thời, khẳng định sản phụ này có chồng và còn cha mẹ; không bị hành hạ, đánh đập. Sản phụ này sống với chồng hoàn toàn tự nguyện, không ai ép buộc và đã đủ 16 tuổi. Mục đích khi vào bệnh viện, sản phụ nói không đúng sự thật về hoàn cảnh của mình để được người khác cho tiền đóng viện phí.

Công an thành phố Bạc Liêu đang củng cố hồ sơ, xác minh thu thập chứng cứ; làm rõ ngày, tháng, năm sinh của sản phụ để xử lý theo quy định pháp luật.

Làm việc với cơ quan công an, chủ nhân trang Facebook M.D khai nhận đăng bài viết trên với mục đích kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người chứ không nhằm mục đích gì khác.

Theo báo cáo của Công an thành phố Bạc Liêu, ngày 22/11, trên  trang  Facebook M.D có đăng tải một thông tin về bé gái T.T.D.Đ (15 tuổi, quê ở Cà Mau, sinh con tại Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu), cha mẹ mất sớm, không ai nương tựa. Em Đ bỏ nhà đi cùng một thanh niên lên Bạc Liêu sống lang thang. Tại đây, em bị bắt đi xin tiền, bữa nào xin được ít lại bị đánh "lên bờ xuống ruộng"…; mong muốn các nhà hảo tâm giúp đỡ em Đ.

Sau khi đăng tải thông tin, chỉ trong một thời gian ngắn đã có gần 21.000 lượt like và hơn 45.000 lượt chia sẻ. Đặc biệt, cùng thời gian này có nhiều người hiếu kỳ, tò mò đến xem, gây mất an ninh trật tự tại Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu.

Qua xác minh của Cơ quan Công an thành phố Bạc Liêu, sản phụ T.T.D.Đ (sinh năm 2000), có cha là ông T.T. (sinh năm 1965), mẹ là bà T.T.P (sinh năm 1975). Ngoài ra, Đ còn 3 anh, chị, em cùng sống với gia đình. Đ có thời gian dài sống chung gia đình tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau).

Cuối năm 2015, Đ bỏ địa phương lên thành phố Cà Mau sống lang thang. Năm 2016, cha mẹ Đ bán nhà cùng con cái lên Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống.

Đầu năm 2017, Đ đến thành phố Bạc Liêu sống lang thang và đi xin tiền sống qua ngày. Khoảng tháng 9/2017, trong một lần ăn nhậu  Đ quen một thanh niên tên L.T.N (sinh năm 1994, ngụ phường 2, thành phố Bạc Liêu), sau đó T.T.D.Đ và L.T.N sống như vợ chồng. Hàng ngày, N đi làm thuê còn Đ thì đi lang thang xin tiền.

Sau một thời gian mang thai, ngày 21/11, T.T.D.Đ. có dấu hiệu chuyển dạ nên được N cùng một người bạn đưa vào bệnh viện sinh. Do không có tiền sinh con nên N đã bàn với Đ nếu có ai hỏi thì nói: “Cha mẹ chết hết, chồng bỏ, không có anh chị em, hằng này bị chồng đánh đập” để người khác thương hại cho tiền.

Sau khi thông tin được đăng tải trên trang mạng xã hội, nhiều người đã  đến bệnh viện cho tiền sản phụ Đ, được khoảng 11 triệu đồng, cùng nhiều vật dụng khác. Ngày 24/11, sản phụ Đ. đã xuất viện và đến nhà chú ruột ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) ở nhờ. Còn N sợ bị xử lý nên đã trốn tránh.

Vụ việc đang được Công an thành phố Bạc Liêu tiếp tục xác minh, làm rõ.

Huỳnh Sử (TTXVN)
Chuyện bắt cóc trẻ em ở huyện Krông Pa - Gia Lai là không đúng sự thật
Chuyện bắt cóc trẻ em ở huyện Krông Pa - Gia Lai là không đúng sự thật

Sáng 11/8, ông Phùng Quang Tuấn, Trưởng Công an huyện Krông Pa (Gia Lai) cho biết, thông tin liên quan đến việc trẻ em mất tích, nghi ngờ do bị bắt cóc trên địa bàn huyện được đăng tải trên mạng xã hội Facebook trước đó là không đúng sự thật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN