Các cơ quan chuyên môn về xây dựng phải tăng cường kiểm soát việc lập, quản lý quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị dọc theo các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đảm bảo năng lực thông hành của các tuyến đường.
Cùng đó, kiểm soát việc đảm bảo quy định về diện tích, số lượng vị trí đỗ xe trong công trình xây dựng: chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, đảm bảo không gian vỉa hè, lối đi dành cho người đi bộ. Đồng thời, kiểm tra, thanh tra, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi xây dựng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
Các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát các khu vực, tuyến đường đô thị có khả năng ngập lụt cục bộ, có giải pháp chống ngập lụt hoặc giải pháp khắc phục phù hợp.
Cùng với đó, cân đối nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị theo quy hoạch, các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông đô thị, dự án vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, đặc biệt là đường sắt đô thị.
Đối với các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng (chủ đầu tư, tư vấn khảo sát, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng công trình), Bộ Xây dựng yêu cầu thực hiện đầy đủ trách nhiệm về khảo sát, thiết kế, giám sát, thi công và bảo hành, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về an toàn giao thông (độ lún, độ nhám, độ bằng phẳng mặt đường, bán kính cong...) theo quy định pháp luật.
Thường xuyên đôn đốc việc tuân thủ quy định, thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong quá trình thi công xây dựng công trình và kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp đảm bảo an toàn khi cần thiết.