Theo Nghị quyết 80 của Chính phủ, chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010 là 118.052 ha, đến năm 2020 giảm xuống 88.005ha; đất phi nông nghiệp tăng từ 90.868ha (năm 2010) lên 118.890 ha (năm 2020), đất đô thị tăng từ 53.841 ha (năm 2010) lên 62.704ha (năm 2020). Đất chưa sử dụng năm 2010 là 635ha, đến năm 2020 giảm xuống còn 309ha.
Một trong những chỉ đạo nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ tại Nghị quyết 80 đối với Thành phố Hồ Chí Minh là quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị, đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và cho thuê đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích.
Đánh giá ý nghĩa quan trọng của Nghị quyết 80, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất lần này đáp ứng sự phát triển của ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng như nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội và hạ tầng đô thị. Với thành phố, đất đai không chỉ là tài nguyên mà còn là nguồn lực, nguồn ngân sách, vì thế thành phố sẽ phải có kế hoạch sử dụng hiệu quả diện tích đất canh tác, trong đó có việc nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015) tại thành phố đã đạt được kết quả nhất định nhưng một số chỉ tiêu về sử dụng đất không thực hiện được theo quy hoạch được duyệt, làm hạn chế đến hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ tài nguyên môi trường.
Tại hội nghị, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tiên phong trong việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, vốn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, không phải đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch là có thể thực hiện được ngay. Thành phố cần lấy quy hoạch sử dụng đất làm nền tảng để quy hoạch phát triển các ngành nghề khác, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Cùng với đó, chỉ đạo các quận huyện lập quy hoạch điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cho từng địa bàn theo từng năm, đồng thời huy động nguồn lực thực hiện đảm bảo quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất đi vào thực tiễn gắn với công tác thanh tra, kiểm tra.
Để thực hiện Nghị quyết 80 của Chính phủ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp về đầu tư phát triển, chú trọng đầu tư các đô thị vệ tinh theo hướng đồng bộ hạ tầng, hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phân bổ đất đai cho các ngành dịch vụ, tài chính, công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị tăng cao. Hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong khu trung tâm, thu phí hạ tầng đối với các trường hợp xây dựng nhà cao tầng ở vùng trung tâm, đặc biệt quy hoạc sử dụng đất không gian ngầm theo các tuyến metro để tăng quỹ đất.
Đối với trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu công khai rộng rãi Nghị quyết 80 của Chính phủ cũng như kế hoạch sử dụng đất hằng năm và các dự án cụ thể để nhân dân giám sát việc thực hiện. Công khai minh bạch các dự án có sử dụng đất trong giai đoạn 2016 – 2020 cũng như phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các dự án có bồi thường đất tại trụ sở UBND cáp phường xã, điểm sinh hoạt cộng đồng.
Đối với doanh nghiệp, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định: Việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự án, đảm bảo quyền lợi người sử dụng đất cũng như giúp cơ quan quản lý theo theo dõi, ngăn chặn các sai phạm như chuyển quyền sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích. Thực tế thời gian qua, tại thành phố có rất nhiều trường hợp vi phạm, trong đó có một số trường khi giao đất cho dự án lại được chuyển nhượng qua nhiều người để ăn tiền chênh lệch. Thành phố sẽ kiên quyết xử lý và đã chuyển qua Cơ quan Cảnh sát điều tra một số trường hợp vi phạm.
“Thành phố không chấp nhận kiểu doanh nghiệp làm ăn trái pháp luật, lợi dụng đất Nhà nước để ăn chênh lệch giá. Nếu không triển khai dự án thì phải trả lại đất. Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá hiệu quả thực hiện đối với 3.444 dự án được giao hơn 26.000 đất từ năm 2016 – 2020, dự án nào không triển khai thì phải thu hồi. Đơn cử huyện Nhà Bè có 87 dự án được giao đất nhưng không triển khai. UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lập tổ công tác rà soát đối với huyện Nhà Bè, sau đó mở rộng ra các quận huyện khác", người đứng đầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh nói.
Về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, dự án được giao đất mà sử dụng không đúng mục đích thì căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất thực hiện thu hồi, đấu giá công khai minh bạch. Ngoài ra, căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hằng năm, thành phố giao Công ty Đầu tư Tài chính thành phố và Trung tâm phát triển quỹ đất lập kế hoạch vốn để tổ chức bồi thường, tạo quỹ đất sạch, trên cơ sở đó tổ chức bán đấu giá nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Nếu thực hiện đấu giá tốt thì sẽ thu về cho ngân sách thành phố nguồn tiền rất lớn và sẽ không làm thất thoát tài sản Nhà nước (đất công).