'Nóng' vụ sổ đỏ 'trên giấy' ở làng cổ Đường Lâm

Thời gian gần đây, dư luận ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội "nóng" lên về việc cơ quan chức năng cấp sổ đỏ đất giãn dân "trên giấy", hay sổ đỏ trùng sổ đỏ.

Qua xác minh cho thấy thực tế này đã tồn tại nhiều năm, trong khi việc quản lý và sử dụng đất đai tại Đường Lâm còn nhiều bất cập, đã ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của một số người dân, đòi hỏi các cơ quan chức năng ở thị xã Sơn Tây khẩn trương vào cuộc tháo gỡ.

Một góc làng cổ Đường Lâm. Ảnh: TTXVN


Thiếu sự hậu kiểm

Trước nhu cầu giãn dân, bảo vệ làng cổ Đường Lâm, năm 2005, thị xã Sơn Tây đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu nhà ở dân cư tại khu gò Bố Về, thôn Đoài Giáp, xã Đường Lâm. Theo đó, ngày 29/9/2005, UBND thị xã Sơn Tây ban hành quyết định thu hồi 14.746 mét vuông đất tại khu Bố Về để giao cho 116 hộ dân làm nhà ở giãn dân.

Sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính, một số hộ đã được chính quyền bàn giao đất, xây dựng nhà ở, đồng thời tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ). Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp người dân có tên trong danh sách được cấp đất đã sang nhượng, mua bán trao tay cho người khác nhiều lần.

Thực tế này là một trong những nguyên nhân gây ra sự "nhập nhằng" trong quá trình cấp sổ đỏ, sổ đỏ trùng sổ đỏ hoặc có sổ đỏ nhưng chưa có đất ở Đường Lâm.

Ông Nguyễn Khắc Đàm, 70 tuổi ở thôn Đông Sàng, là một trong những hộ dân chưa được giao đất trong khi đã có sổ đỏ bức xúc nói: "Gia đình tôi rất khó khăn về nhà ở mới được xã xét duyệt cấp 60m2 đất giãn dân. Mòn mỏi chờ đợi bao nhiêu năm nay nhưng đến giờ vẫn không được nhận đất".

Theo ông Đàm, tại khu giãn dân gò Bố Về có khoảng 7 hộ dân giống gia đình ông có sổ đỏ rồi nhưng chưa có đất, trong khi chính quyền xã Đường Lâm chưa giải thích một cách thấu tình đạt lý vì sao lại xảy ra hiện tượng này. Ông Đàm chỉ biết rằng, theo sổ đỏ được cấp, thửa đất 119 của hộ ông hiện đang vướng giải phóng mặt bằng.

Trên thực tế thì đúng vậy, một số lô đất thuộc khu đất giãn dân này hiện vẫn đang nằm giữa gò, ao và thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình ông Phạm Văn Xuân. Ông Xuân chưa bàn giao diện tích đất trong diện bị thu hồi này cho chính quyền xã.

Tìm hiểu câu chuyện cấp “sổ đỏ chồng lên sổ đỏ” tại diện tích đất của ông Phạm Văn Xuân được biết, trước đây, ông Xuân có đổi đất sản xuất nông nghiệp cho 9 hộ dân trong xã để được nhận đất tại khu gò Bố Về với diện tích trên hơn 1.900 m2 và đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1997.

Đến năm 2004, các hộ dân lại thỏa thuận với ông Xuân để đổi lại như ban đầu và hai bên đã đồng ý với "cam kết miệng". Chính vì vậy, khi có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án khu đất giãn dân, 9 hộ này đã nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng tại khu gò Bố Về cho UBND xã Đường Lâm, đồng thời giao lại ruộng đã đổi cho ông Xuân để canh tác ổn định từ đó đến nay.

Tuy nhiên, theo đề nghị của ông Xuân, các cấp chính quyền phải trả tiền đền bù cho gia đình ông, vì toàn bộ diện tích này đã có sổ đỏ đứng tên ông. "Nếu chính quyền xem xét đền bù đất cho tôi, gia đình sẽ sẵn sàng bàn giao ngay, không có gì cản trở cả" - ông Xuân chia sẻ.

Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: TTXVN


Trước câu hỏi liệu có việc tắc trách, chủ quan trong quá trình thực hiện các quy trình bàn giao, giải phóng mặt bằng đất giãn dân gò Bố Về, ông Hà Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây thẳng thắn thừa nhận, còn có những sai sót từ cơ sở đến cơ quan chức năng trong quá trình quản lý đất đai ở thời điểm đó.

Lý giải sự chậm trễ việc giải quyết đơn thư của các hộ dân gây bức xúc, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sơn Tây Chu Quang Dũng cho biết sự việc đã tồn tại từ nhiều năm nên rất phức tạp. Ngay sau khi nhận được đơn kiến nghị của 9 hộ dân xã Đường Lâm, tháng 10/2013, UBND thị xã Sơn Tây đã thành lập Tổ công tác 233 để xem xét, nghiên cứu hồ sơ còn lưu lại được tại UBND xã Đường Lâm, do các phòng ban cung cấp cũng như kiểm tra tại thực địa khu đất giãn dân này.

Đến tháng 3/2014, Tổ công tác đã có kết luận, trong tổng số 115 hộ được UBND thị xã xét duyệt cấp đất đã có 105 hộ được bàn giao đất ngoài thực địa, trong đó có 73 hộ đã được cấp sổ đỏ; 7 hộ chưa được giao đất nhưng đã cấp sổ đỏ; 8 hộ chưa được giao đất cũng như chưa được cấp sổ đỏ.

Cũng theo kết luận trên, việc cấp đất giãn dân khu gò Bố Về vô cùng phức tạp, hiện trạng sử dụng đất, quản lý nhà nước về đất đai ở khu vực này có nhiều mâu thuẫn, bất cập; hồ sơ không khớp với thực tế, đặc biệt quy trình cấp đất ở xã chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong khi đó, các cấp chính quyền xã chưa tập trung giải quyết nên để xảy ra những tồn đọng kéo dài, hiện trạng sử dụng đất đai biến động nhiều.

Cần sự vào cuộc quyết liệt, giải quyết quyền lợi cho người dân

Từ những mâu thuẫn trên cho thấy sự lỏng lẻo trong quản lý, chi trả tiền giải phóng mặt bằng cũng như thiếu thận trọng trong xét duyệt cấp giấy chứng nhận nên đã để xảy ra tình trạng đất của hộ dân thuộc diện bị giải phóng mặt bằng chưa thu hồi được, giấy chứng nhận chưa hủy mà lại cấp giấy chứng nhận cho hộ khác.

Sự nhập nhằng này đã làm khổ người dân khi họ phải đi khiếu kiện khắp nơi và mệt mỏi vì chờ đợi. Ông Phạm Khắc Đàm, anh Hà Văn Dậu và một số hộ dân khác đều bày tỏ, gia đình ở quá chật chội, nhu cầu giãn hộ là rất cấp thiết đồng thời mong muốn các cấp chính quyền vào cuộc, sớm có hướng giải quyết hợp lý để trả lại quyền lợi cho các hộ dân.

Đề cập đến những kiến nghị của người dân Đường Lâm, ông Hà Văn Đông cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ Hà Nội, lãnh đạo Thị ủy và UBND thị xã Sơn Tây đang tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng và UBND xã Đường Lâm khẩn trương đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn tại kéo dài, ổn định cuộc sống của nhân dân.

Hiện UBND thị xã Sơn Tây giao UBND xã Đường Lâm phối hợp với phòng chức năng của thị xã thuê đơn vị tư vấn đo đạc, khảo sát thiết kế, lập dự toán để thực hiện và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng đường đi vào khu đất giãn dân gò Bố Về; tổ chức hội nghị lắng nghe, giải quyết các kiến nghị của các hộ dân.

Cùng với đó, tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra rà soát về giải phóng mặt bằng, xét duyệt giao cấp đất và cấp sổ đỏ tại một số khu vực trên địa bàn xã Đường Lâm, trong đó có khu gò Bố Về.

Theo ông Đông, lãnh đạo thị xã Sơn Tây đã đồng thời chỉ đạo các phòng ban liên quan khẩn trương đầu tư xây dựng khu đất giãn dân mới tại khu vực Đồi Trung, thôn Phụ Khang, xã Đường Lâm với diện tích 19,5 ha; giai đoạn 1 là 4,9 ha.

Qua việc ở Đường Lâm, sẽ rút kinh nghiệm, các bước thực hiện sẽ phải theo đúng quy trình, tuyệt đối không được làm "ngang tắt". Đối với những cá nhân, tập thể không thực hiện đúng nhiệm vụ, trách nhiệm của mình hoặc cố tình làm trái để xảy ra những tồn tại trong quá trình cấp đất giãn dân khu gò Bố Về sẽ thanh tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Dư luận người dân ở Đường Lâm mong muốn sự vào cuộc của các cấp chính quyền, giải quyết dứt điểm những tồn tại kéo dài để không còn tình trạng đất ảo, cấp trùng như hiện nay, gây bức xúc và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.


Minh Nghĩa – Mạnh Khánh


Làng cổ Đường Lâm và câu chuyện bảo tồn
Làng cổ Đường Lâm và câu chuyện bảo tồn

UBND TP Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây” - giai đoạn 2014 - 2020. Theo đề án, đến 2020, sẽ có 125 nhà loại 3 được cải tạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN