8 ngày nghỉ Tết, 383 người thương vong do TNGT
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) cho biết, sau 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, cả nước xảy ra 248 vụ TNGT, làm chết 161 người, bị thương 222 người. So với 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 giảm 18% về số vụ TNGT, giảm 30% về số người chết và giảm 15% về số người bị thương.
Còn theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), sau 8 ngày nghỉ Tết đã có 35.366 ca khám, cấp cứu TNGT. Trong đó, có 12.678 trường hợp phải nằm viện điều trị, theo dõi; 141 trường hợp tử vong tại các bệnh viện (gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện).
Đáng lưu ý, hồi 9 giờ sáng ngày 8/2, trên QL1A đoạn qua làng Quỳ Chữ (xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá) đã xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Chiếc xe ô tô 7 chỗ BKS 36B - 2286 do lái xe Nguyễn Xuân Sơn (sinh năm 1961, ở Hoằng Quỳ điều khiển, trên xe chở 8 người đang lưu thông từ trung tâm TP Thanh Hoá hướng ra Bắc, khi tới làng Quỳ Chữ thì bất ngờ bị xe khách BKS 98B - 022.66 do Phạm Thế Đức (sinh năm 1979, trú tại Kim Sơn, Đông Triều, Quảng Ninh) chạy tuyến Bắc Giang - Sài Gòn đâm. Vụ tai nạn khiến ô tô 7 chỗ bị hất văng, làm 3 người chết trên đường đi cấp cứu và 5 người bị thương.
Mặc dù cả 3 tiêu chí số vụ TNGT, số người chết và bị thương giảm sâu so với Tết 2018, nhưng trong những ngày từ mồng 2 đến ngày 4 Tết Kỷ Hợi, tình hình trật tự ATGT diễn biến phức tạp hơn so với 4 ngày nghỉ lễ trước đó. Thực tế này đã khiến Ủy ban ATGTQG phải ra công điện khẩn yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương huy động tối đa các lực lượng chuyên ngành để đảm bảo ATGT sau nghỉ Tết và Lễ hội xuân 2019. Đồng thời, các địa phương phải tăng cường phương tiện, con người đảm bảo đủ năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt là trên các tuyến vận tải kết nối giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với các địa phương trong cả nước.
Vụ cướp tiền thu phí tại Trạm Dầu Giây khiến dư luận đặt câu hỏi về nguồn thu mỗi ngày của các trạm
Sáng 7/2, Trạm thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây bị hai đối tượng manh động bịt mặt, cầm hung khí và vật nghi là súng tấn công. Các đối tượng xông vào cabin trạm đe doạ, đánh các nhân viên thu phí rồi cướp 2,2 tỷ đồng trong két sắt cho vào ba lô rồi trốn thoát. Mặc dù hai nghi can trong vụ cướp đã bị công an bắt ngay trong đêm 7/2, tuy nhiên vụ việc đã khiến Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (trực thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC E phải chấn an tinh thần của nhân viên làm việc trực tiếp trên tuyến đường, tăng cường công tác bảo vệ tại vị trí các trạm thu phí, điều chỉnh thắt chặt an ninh trong thời điểm giao ca.
Điều đáng nói là hai nghi can trong vụ cướp đều là nhân viên cũ của công ty VEC E, là Trần Tuấn Anh (sinh ngày 7/7/1993, làm việc tại Công ty VEC E từ ngày 5/1/2015, nghỉ việc từ ngày 18/3/2018) và Nguyễn Vũ Hoàng Nam (sinh ngày 21/6/1990, làm việc tại VEC E kể từ ngày 14/3/2015, nghỉ việc từ ngày 4/2/2019). Điều này cho thấy nhiều sơ hở trong công tác quản lý tiền thu phí tại các trạm thu phí.
Cảnh báo tình trạng đuối nước trẻ em
Khoảng 15 giờ ngày 8/2, tại bãi biển xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm 4 thiếu niên bị chết, 2 thiếu niên mất tích, 1 em bơi được vào bờ và 1 em được người dân cứu vớt đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Theo Đại tá Trần Văn Xuân, Trưởng công an huyện Thăng Bình, nhóm thiếu niên đi tắm biển trên gồm 8 em đang học lớp 9/1, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Duy Hiệu, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình. Do các em từ nơi khác đến tắm biển, không xác định được đây là vùng biển nguy hiểm, nên bị sóng lớn cuốn trôi ra xa.
Thực tế này lại gióng hồi chuông báo động tới cơ quan chức năng các địa phương vùng biển về công tác quản lý, cảnh báo nguy hiểm tại các vùng có bãi tắm biển, cũng như công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em hiện nay vẫn đang bị bỏ ngỏ...
Coi thường pháp luật, 'mở tiệc' trên cao tốc
Trưa 6/2 (mùng 2 Tết), trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, một gia đình gồm 4 người đi xe ô tô biển kiểm soát 36A - 090.48 đã tự ý dừng xe ở làn dừng khẩn cấp và thản nhiên trải thảm bày đồ ăn uống trước đầu xe ô tô, bất chấp các phương tiện qua lại.
Mặc dù vụ việc gây bức xúc dư luận về sự coi thường quy định của pháp luật của lái xe và những người tham gia này, khiến lái xe sau đó đã bị lực lượng chức năng tìm ra danh tính, xử phạt 5,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng, nhưng dư luận yêu cầu xử lý nghiêm minh hơn nữa để răn đe, tránh xảy ra trường hợp tương tự, gây nguy hiểm trực tiếp cho người và phương tiện lưu thông khác trên các tuyến cao tốc.
Tình trạng ùn tắc kéo dài vẫn tiếp diễn sau nghỉ Tết
Tại các tuyến đường cửa ngõ vào Thủ đô Hà Nội sau dịp nghỉ Tết kéo dài 9 ngày như: Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đường trên cao, đường Giải Phóng, Ngọc Hồi, quốc lộ 1 cũ..., tình trạng người dân ùn ùn đổ dồn về trong chiều tối ngày 9/2 đã gây ùn tắc kéo dài, khiến các tuyến đường bị người và phương tiện ken đặc, nhích từng cm. Điều đáng nói là cứ “đến hẹn lại lên”, sau nghỉ Tết mỗi năm, thực tế này lại diễn ra. Trong bối cảnh hạ tầng phát triển, mở rộng không theo kịp tốc độ gia tăng của phương tiện, các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, xây dựng vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu để kiểm soát tình trạng ùn tắc.