Bộ Nội vụ vào cuộc việc Phó chủ tịch Thái Bình 'thăng tiến thần tốc'
Sáng 18/6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trao đổi với báo chí liên quan đến thông tin Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận được “bổ nhiệm thần tốc”, thiếu tiêu chuẩn trong quá trình đề bạt vào các chức vụ lãnh đạo.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, đối với nhân sự Phó Chủ tịch tỉnh là do Bộ Nội vụ thẩm định để Thủ tướng phê chuẩn sau khi HĐND tỉnh bầu. Vì vậy, Bộ sẽ kiểm tra lại các thông tin báo chí nêu.
Theo phân tích của Bộ trưởng Nội vụ, những chức danh như Bí thư, Phó bí thư; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND là cán bộ qua bầu cử, không tính ngạch công chức và có thể luân chuyển từ đơn vị này qua đơn vị khác, vào một chức vụ nào đó tương đương với ngạch công chức được bổ nhiệm. Tức là khi họ được bầu thì đồng thời được bổ nhiệm vào ngạch công chức.
“Qua thông tin báo chí nêu, Bộ Nội vụ sẽ nắm thông tin và yêu cầu Thái Bình báo cáo để xem lại hồ sơ nhân sự từ trước đến nay để làm rõ, báo cáo cấp có thẩm quyền. Nếu không đúng thì đề nghị chỉnh sửa, xử lý”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, việc xem xét nhân sự Phó chủ UBND tỉnh thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chứ không phải thuộc thẩm quyền của Bộ.
Theo thông tin báo chí phản ảnh, có dư luận về việc ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình được điều chuyển, bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng khi chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình đang kiểm tra quá trình bổ nhiệm ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, sau khi nhận được phản ánh của công dân.
Ông Nguyễn Khắc Thận sinh năm 1974, ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, từng qua các chức vụ cán bộ Viện KSND huyện Quỳnh Phụ. Từ năm 2010 đến nay, ông Nguyễn Khắc Thận được điều chuyển, bổ nhiệm nhiều vị trí quan trọng như: Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND, Bí thư Huyện ủy Quỳnh Phụ. Trước khi được HĐND tỉnh bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh vào tháng 7/2019, ông Thận giữ chức Giám đốc Sở Nội vụ từ tháng 3/2016.
Hơn 2 tháng không có ca mắc mới, chữa khỏi 325/334 ca mắc COVID-19
Đến ngày 20/6, Việt Nam đã tròn 65 ngày không có ca mắc COVID-19 mới lây nhiễm trong cộng đồng, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 10.500 trường hợp, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 162 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 9.387 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 951 người.
Trước đó, ngày 19/6, Việt Nam ghi nhận thêm 7 ca mắc mới COVID-19, đều từ nước ngoài về, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Ngày 6/6, các bệnh nhân này từ châu Âu (Thụy Điển, Phần Lan) về Sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) trên chuyến bay VN2, sau khi nhập cảnh được cách ly ngay tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngày 7/6 được lấy mẫu xét nghiệm lần 1, kết quả đều âm tính. Ngày 18/6 các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả 7 mẫu dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện, 7 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Như vậy đến nay, Việt Nam có tổng cộng 209 ca nhiễm nhập cảnh đã được cách ly. Bên cạnh đó, Việt Nam đã chữa khỏi cho tổng số 325/334 ca mắc COVID-19. Hiện, chỉ còn 9 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chỉ còn 1 bệnh nhân đang điều trị; đa số các trường hợp đều có sức khỏe ổn định. Việt Nam cũng chỉ còn duy nhất 1 bệnh nhân người nước ngoài là bệnh nhân 91 (phi công người Anh) đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Triệu Quân Sự bị bắt khi đang chơi game
Tối 18/6, Thượng tá Phạm Trường Sơn, Trưởng Công an TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết đã bắt được đối tượng Triệu Quân Sự (29 tuổi, dân tộc Nùng, trú tại xã Phú Cường, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).
Theo Công an TP Tam Kỳ, vào khoảng 19 giờ 45 phút cùng ngày, lực lượng thành phố đã bắt đối tượng trốn truy nã Triệu Quân Sự. Tại thời điểm bị bắt, đối tượng Triệu Quân Sự đang chơi game tại quán game H.T, địa chỉ 155/111 (thuộc khối phố Mỹ Hiệp, phường An Mỹ, TP Tam Kỳ). Trong quá trình bị vây bắt, đối tượng Triệu Quân Sự không có sự chống đối. Theo nguồn tin báo đầu, Triệu Quân Sự sau khi trốn trại lẩn trốn trên đèo Hải Vân. Sau đó đối tượng đã trốn về Đà Nẵng, vào Hội An rồi đến Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Đối tượng đang được tạm giữ tại cơ quan Công an thành phố Tam Kỳ để tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Trước đó, vào khoảng 14 giờ 20 ngày 3/6, Triệu Quân Sự leo qua tường rào khu giam ở Trại giam khu vực miền Trung trốn thoát. Sau khi trốn ra ngoài, Triệu Quân Sự tiếp tục trộm cắp điện thoại, xe máy của người dân để tẩu thoát.
Triệu Quân Sự là đối tượng cực kỳ nguy hiểm, liều lĩnh, đã bỏ trốn khi đang thụ án chung thân về các tội "Giết người," "Cướp tài sản," "Đào ngũ" và "Trốn khỏi nơi giam giữ". Đây là lần thứ hai Triệu Quân Sự trốn khỏi trại giam.
Giữ nguyên 6 án tử hình trong vụ sát hại nữ sinh giao gà tại Điện Biên
Sau gần 2 ngày xét xử, sáng 17/6, tại Phòng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án sát hại nữ sinh giao gà dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tại tỉnh Điện Biên.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Vì Văn Toán thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, nhưng vẫn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Các bị cáo Lường Văn Hùng, Lường Văn Lả, Phạm Văn Dũng và Cầm Văn Chương đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, khẳng định tòa án cấp sơ thẩm xử phạt đối với các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật và không kháng cáo.
Bị cáo Phạm Văn Nhiệm ban đầu không thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội, tuy nhiên sau đó đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã quy kết. Bị cáo Bùi Văn Công chỉ thừa nhận phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy, phủ nhận phạm các tội: Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, hiếp dâm và giết người. Bị cáo Vương Văn Hùng chỉ thừa nhận phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; phủ nhận phạm các tội giết người, hiếp dâm. Bị cáo Bùi Thị Kim Thu phủ nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Kết luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã bác toàn bộ đơn kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên quyết định bản án sơ thẩm ngày 29/12/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên, tuyên án: Vì Văn Toán mức án tử hình về tội ‘giết người”, 12 năm tù về tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, tù chung thân về tội “mua bán trái phép chất ma túy” theo Bản án số 106 ngày 27/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên, tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Bùi Văn Công chịu mức án tử hình về tội “giết người”, 14 năm tù về tội “hiếp dâm”, 12 năm tù về tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, 2 năm tù về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”, tù chung thân về tội “mua bán trái phép chất ma túy” theo Bản án số 106 ngày 27/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên, tổng hình phạt là tử hình.
Vương Văn Hùng chịu mức án tử hình về tội “giết người”, 10 năm tù về tội “hiếp dâm”, 12 năm tù về tội “bắt cóc chiếm đoạt tài sản”, hình phạt chung là tử hình.
Phạm Văn Nhiệm chịu mức án tử hình về tội “giết người”, 12 năm tù về tội “hiếp dâm”, 12 năm tù về tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Lường Văn Hùng chịu mức án tử hình về tội “giết người”, 14 năm tù về tội “hiếp dâm”, 12 năm tù về tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, tù chung thân về tội “mua bán trái phép chất ma túy” theo Bản án số 106 ngày 27/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên, tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Lường Văn Lả chịu mức án tử hình về tội “giết người”, 14 năm tù về tội “hiếp dâm”, 11 năm tù về tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, tổng hình phạt chung là tử hình.
Các bị cáo: Phạm Văn Dũng chịu mức án 10 năm tù về tội “hiếp dâm", Cầm Văn Chương chịu mức án 9 năm tù về tội “hiếp dâm”; Bùi Thị Kim Thu chịu mức án 3 năm tù về tội “không tố giác tội phạm”.
Phạt tù nguyên lãnh đạo Sở Y tế Gia Lai do sai phạm trong đấu thầu thuốc
Sau hai ngày xét xử sơ thẩm (ngày 18-19/6), Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên án các bị cáo nguyên là lãnh đạo cao nhất của Sở Y tế tỉnh Gia Lai.
Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt các bị cáo Phùng Xuân Quýnh (67 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai) 18 tháng tù giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo Nguyễn Công Nhân (65 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai) 5 năm tù, Đặng Đức Châu (57 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai) 6 năm tù, Phan Minh Hiếu (Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế Gia Lai) 6 năm tù, Đoàn Cường (Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Dược - Sở Y tế Gia Lai) 6 năm tù, Lê Khánh Lân (cán bộ phòng Kế hoạch tài chính - Sở Y tế Gia Lai) 3 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thị Kim Liên (Dược sỹ - Sở Y tế Gia Lai) 2 năm 6 tháng cho hưởng án treo, Rmah Plih (tên gọi khác là Dô, Trưởng Phòng Kế hoạch tài vụ - Sở Y tế Gia Lai) 2 năm cho hưởng án treo và Bùi Ngọc Thư (Phó trưởng Phòng Kế hoạch tài vụ - Sở Y tế Gia Lai) 3 năm 6 tháng tù giam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, thực hiện quy định của Nhà nước về đấu thầu thuốc, từ năm 2008 đến năm 2010, UBND tỉnh Gia Lai giao cho Sở Y tế tổ chức đấu thầu tập trung những loại thuốc có nhu cầu sử dụng thường xuyên, ổn định và có số lượng lớn cho tất cả các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Từ đó, các cơ sở y tế công lập căn cứ kết quả đấu thầu này để ký kết hợp đồng mua thuốc theo nhu cầu của năm.
Để tiến hành hoạt động đấu thầu thuốc, ông Phùng Xuân Quýnh, Giám đốc Sở Y tế thời điểm này đã có Quyết định thành lập tổ chuyên gia đấu thầu thuốc theo từng năm. Cụ thể: Năm 2008, gồm các thành viên: Đặng Đức Châu (Tổ trưởng), Rơ Mah PLIH, Phan Minh Hiếu, Lê Khánh Lân, Đoàn Cường và Nguyễn Thị Kim Liên. Năm 2009, gồm Nguyễn Công Nhân (Tổ trưởng), Đặng Đức Châu, Lê Khánh Lân, Phan Minh Hiếu và Đoàn Cường. Năm 2010, gồm Nguyễn Công Nhân (Tổ trưởng), Đặng Đức Châu, Bùi Ngọc Thư, Phan Minh Hiếu và Đoàn Cường.
Trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổ chuyên gia đã tiến hành các hoạt động đấu thầu như: Xây dựng danh mục chi tiết thuốc đấu thầu, kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu… để trình Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai thẩm định rồi trình UBND tỉnh phê duyệt. Từ đó, trên cơ sở kết quả phê duyệt của UBND tỉnh Gia Lai, tổ chuyên gia tiến hành triển khai hoạt động xét thầu.
Căn cứ theo kết luận giám định lại số 1485/KL-BYT của Hội đồng giám định Bộ Y tế và Kết luận số 01/GĐV-TC của giám định viên tài chính, các bị can trong Tổ chuyên gia đấu thầu đã có hành vi xét thầu sai, gây thiệt hại cho tài chính Nhà nước hơn 6,1 tỷ đồng. Trong đó, hành vi xét thầu sai lần thứ nhất gồm 8 mặt hàng có đầy đủ các tiêu chí theo quy định tại hồ sơ mời thầu nhưng bị loại, thay vào đó có 8 mặt hàng thuốc dự thầu khác có giá chào thầu cao hơn lại được trúng thầu. Trong đó, có 1 mặt hàng không ký kết hợp đồng mua thuốc nên xác định còn 7 mặt hàng có giá chào thầu cao hơn được trúng thầu, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước gần 5 tỷ đồng.
Hành vi xét thầu sai phạm thứ hai gồm 7 mặt hàng thuốc dự thầu sai nơi sản xuất. Nếu đúng nguyên tắc sẽ phải loại ngay không xét tiếp, nhưng các bị can lại cho xét đạt rồi trúng thầu. Hành vi này, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước trên 1 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử cũng đã làm rõ trách nhiệm đối với bị cáo Phùng Xuân Quýnh vào năm 2009 và 2010 đã ủy quyền cho bị cáo Nguyễn Công Nhân thực hiện toàn bộ nhiệm vụ tổ chức đấu thầu nên Quýnh không phải chịu trách nhiệm hình sự về thiệt hại về hành vi xét thầu sai năm 2009 và 2010. Vì vậy, nguyên Giám đốc Sở Y tế chỉ phải chịu trách nhiệm về các sai phạm trong năm 2008 với số tiền hơn 400 triệu đồng.