Nóng tuần qua: Bắt Giám đốc CDC Hà Nội và 6 bị can; Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới chống dịch

Thông tin đáng chú ý trong tuần qua là việc Thủ tướng Chính phủ quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội từ ngày 23/4; Bộ Công an bắt giam 7 bị can liên quan đến vụ trục lợi từ mua thiết bị chống COVID-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; xét xử phúc thẩm vụ MobiFone mua AVG và các tỉnh cũng bắt đầu cho học sinh đi học trở lại.

Vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh

Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 20 và 22/4/2020 nêu rõ: Cả nước đã chuyển sang giai đoạn mới phòng chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn, cùng với phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm người dân sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt. Trong giai đoạn mới, cả nước cần vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân.

Chú thích ảnh
Hệ thống xét nghiệm do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh quản lý và sử dụng. Ảnh: Văn Đức/TTXVN.

Từ ngày 23/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Các huyện Mê Linh, Thường Tín của TP Hà Nội, huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang, huyện Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh là địa bàn có nguy cơ cao. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan xác định phạm vi khu vực nguy cơ cao và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nguy cơ: TP Hà Nội.

Các tỉnh, thành phố còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp: Tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.

Bắt Giám đốc CDC Hà Nội và 6 bị can do trục lợi từ mua thiết bị chống COVID-19

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an về đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến phòng chống dịch COVID-19, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tiến hành điều tra, xác minh làm rõ sai phạm trong quá trình chỉ định thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 22/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan; Quyết định khởi tố bị can; Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đối với:

1. Nguyễn Nhật Cảm, sinh năm 1963, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội.

2. Nguyễn Vũ Hà Thanh, sinh năm 1979, Trưởng phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội.

3. Đào Thế Vinh, sinh năm 1975, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST).

4. Nguyễn Trần Duy, sinh năm 1980, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành.

5. Nguyễn Ngọc Nhất, sinh năm 1986, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech.

6. Nguyễn Thanh Tuyền, sinh năm 1985, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông.

7. Lê Xuân Tuấn, sinh năm 1982, nhân viên Phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội.

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thi hành các Quyết định và Lệnh trên theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tập trung khẩn trương làm rõ hành vi của các bị can, thu hồi tài sản Nhà nước và tiến hành điều tra mở rộng vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập.

Xét xử phúc thẩm vụ MobiFone mua AVG

Ngày 23/4, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Tổng công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 4 ngày (từ 23 - 26/4).

Trước đó, phiên phúc thẩm dự kiến diễn ra từ (13 - 16/4), tuy nhiên do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Tòa án đã quyết định hoãn phiên xét xử.

Phiên phúc thẩm mở trong 4 ngày tới sẽ được chuẩn bị, tiến hành bảo đảm quy định về phòng, chống dịch; bố trí khoảng cách giữa những người tham gia phiên tòa tối thiểu là 2 mét; chỉ cho người được Tòa án triệu tập vào phòng xử án để tham dự phiên tòa...

Sau khi vụ án xét xử sơ thẩm, có 11/14 bị cáo làm đơn kháng cáo trong vụ án này đều đề nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm và xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt; không có bị cáo nào kháng cáo kêu oan, kêu không có tội.

Tuy nhiên, hiện đã có 2 bị cáo rút đơn kháng cáo trước phiên phúc thẩm là: Cao Duy Hải (nguyên Tổng Giám đốc MobiFone) và Võ Văn Mạnh (nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX).

Ba bị cáo không làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm gồm: Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Phạm Đình Trọng (nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông) và Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch HĐQT AVG).

Trước đó, trong các ngày từ 16 - 28/12/2019, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên phạt bị cáo Trương Minh Tuấn 8 năm tù về tội "Nhận hối lộ," 6 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp hình phạt chung cả 2 tội đối với bị cáo Trương Minh Tuấn là 14 năm tù. Bị cáo Phạm Đình Trọng bị tuyên phạt 5 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng". Bị cáo Phạm Nhật Vũ bị phạt 3 năm tù về tội "Đưa hối lộ".

Đến sáng 24/4, Phiên phúc thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) kết thúc phần xét hỏi bước vào tranh tụng. Đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm luận tội tại phiên tòa.

Viện Kiểm sát xác định bị cáo Nguyễn Bắc Son có vai trò quyết định, đứng đầu trong việc thực hiện dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, vì mục đích tư lợi đã nhận hối lộ 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ nên đề nghị giữ nguyên mức án chung thân.

Nguyên Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà được đề nghị giảm 1 - 2 năm tù. Đại diện Viện Kiểm sát xác định bị cáo Lê Nam Trà là người đứng đầu MobiFone, đã tiếp nhận chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son trong việc đầu tư dự án dịch vụ truyền hình bằng phương thức mua lại cổ phần của AVG.

Bị cáo Trà nhận thức rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn, giá mua theo tư vấn cao so với giá trị thể hiện trên sổ sách nhưng vẫn thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị cáo Son và chỉ đạo cấp dưới thực hiện dự án để mua 90% cổ phần AVG.

Nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone Nguyễn Đăng Nguyên được cho rằng giữ "vai trò thấp nhất", khác biệt so với những bị cáo khác... nên có cơ sở xem xét kháng cáo. Viện Kiểm sát đề nghị giữ nguyên mức án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Với 4 nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Viện Kiểm sát đánh giá không có căn cứ để xem xét kháng cáo xin giảm hình phạt. Riêng nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone Nguyễn Bảo Long, Viện Kiểm sát đánh giá có vai trò thấp hơn, đang mắc nhiều bệnh nguy hiểm nên đề nghị giảm 6 tháng tù.

Các tỉnh bắt đầu cho học sinh đi học trở lại

Đến chiều 25/4, theo thống kê sơ bộ, cả nước đã có 57 tỉnh, thành phố chốt lịch đi học trở lại của học sinh theo từng cấp học. Hầu hết đều bắt đầu từ ngày 27.4 hoặc 4.5 tới. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang xây dựng kịch bản cho học sinh trở lại trường trong tháng 5.

Căn cứ vào tình hình thực tế dịch bệnh COVID-19, các địa phương đã có những quyết định mới nhất về thời gian quay trở lại trường của học sinh trên địa bàn. Cụ thể trong ngày 20/4, tỉnh Thái Bình đã cho học sinh lớp 9 trở lên đi học bình thường, Cà Mau đã tổ chức cho học sinh khối 9 và 12 trở lại trường. Ngày 21/4, riêng Thanh Hóa đã cho phép 300.000 học sinh các cấp THCS và THPT đến trường.

Phần lớn địa phương sẽ cho học sinh bắt đầu trở lại trường từ thứ hai tuần tới (ngày 27/4) và thường là bắt đầu cho học sinh THCS và THPT hoặc học sinh lớp 9, lớp 12 đi học trước để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT.

XC/Báo Tin tức
Đáng lo ngại tình trạng gia tăng rút bảo hiểm xã hội 1 lần trong mùa dịch COVID-19
Đáng lo ngại tình trạng gia tăng rút bảo hiểm xã hội 1 lần trong mùa dịch COVID-19

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trong những tháng đầu năm nay, số lượng người đăng ký hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần gia tăng, do người lao động gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN