Nóng tuần qua: Công bố dịch COVID-9, giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc

Trong tuần qua, Việt Nam tập trung nỗ lực cao nhất để phòng dịch COVID-19. Thông tin đáng chú ý là việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch COVID-19 trên quy mô toàn quốc; Giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 1/4 và các địa phương thực hiện quyết liệt việc nhắc nhở người dân không ra đường nếu không cần thiết.

Công bố dịch COVID-19 trên quy mô toàn quốc

Ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 447/QĐ-TTg công bố dịch truyền nhiễm COVID-19 trên quy mô toàn quốc.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tên dịch bệnh là COVID-19 (dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra). Thời gian xảy ra dịch từ ngày 23/1/2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô cấp do chúng mới của vi rút Corona gây ra). Nguyên nhân do chủng mới của vi rút Corona gây ra.

Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu. Đường lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

Theo Quyết định này, Thủ tướng đề ra các biện pháp phòng, chống dịch thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, gồm: Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch. Khai báo, báo cáo dịch. Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức cách ly y tế. Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch. Các biện pháp bảo vệ cá nhân. Kiểm soát ra vào vùng có dịch. Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch. Hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch. Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh: Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, Quân đội và các bệnh viện khác có điều kiện. Bệnh viện dã chiến (khi được huy động).

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 1/2/2020 về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chúng mới của vị rút Corona gây ra.

Giãn cách toàn xã hội từ 0 giờ ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó Chỉ thị này, thực hiện giãn cách toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát trên phạm vi toàn. Ở Việt Nam, số ca mắc đang tăng nhanh từng ngày và có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng.

Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, để tiếp tục chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung cao độ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đã đề ra, nhất là Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, tuân thủ các chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện có hiệu quả các biện pháp cấp bách sau:

Thực hiện giãn cách toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng; người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

Bộ Y tế, Bộ Công an, UBND thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh phải thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các “ổ dịch” tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Quán bar Buddha (thành phố Hồ Chí Minh); tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại “ổ dịch”; tiếp tục kêu gọi người dân đã qua lại các “ổ dịch” này khai báo y tế và yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm.

Thủ tướng cũng cho biết, giãn cách xã hội bao gồm: Giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với các tình huống bùng phát, nguy hiểm của dịch bệnh; giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng. “Không phải ngăn cấm giao thông, chưa phải phong tỏa xã hội và hạn chế tối đa giao thông”, Thủ tướng nêu rõ.

Sẽ có gói hỗ trợ cho người nghèo, người thất nghiệp

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là lo cho người dân, nhất là người nghèo, những người thất nghiệp”, Thủ tướng nói và cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục bàn thảo và ban hành các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư công, đảm bảo an ninh trật tự và nhất là các vấn đề an sinh xã hội.

Trong bối cảnh khó khăn, cùng với tác động từ thiên tai trong nước, cần có những giải pháp khắc phục hiệu quả. Việc tổ chức sản xuất kinh doanh trong nước, tìm kiếm thị trường mới cả trong và ngoài nước cần được quan tâm, chú trọng.

Thủ tướng cũng nêu ra tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, khó khăn trong các lĩnh vực như giáo dục và đào tạo; vấn đề an ninh - trật tự, tội phạm diễn biến phức tạp…

Báo cáo tại Phiên họp cho thấy trong bối cảnh kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái nặng nề, sự tăng trưởng của nước ta trong Quý I/2020 đạt 3,82% là con số đáng khích lệ. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng kinh tế của Quý I thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (kể từ Quý I/2009).

Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chỉ đạt 5,28%, thấp nhất trong vòng 6 năm qua, do gặp nhiều khó khăn, thách thức về nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào; khó khăn về lao động, nguồn nhân lực; khó khăn về tài chính, thị trường tiêu thụ; tăng trưởng các ngành đều thấp hơn cùng kỳ, đặc biệt ngành khai khoáng tăng trưởng âm (-3,18%).

Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp chỉ đạt 0,08%, thấp nhất trong 4 năm qua, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; dịch cúm gia cầm và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; một số khu vực nông nghiệp vẫn có bước tăng trưởng khá như chăn nuôi…

Hà Nội xử phạt nghiêm những trường hợp ra đường không có việc cần thiết từ 4/4

Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: Từ ngày 4/4, các địa phương cần xử phạt nghiêm những trường hợp ra đường không có việc cần thiết. Tất cả các công viên, khu vui chơi giải trí phải đóng cửa; không đơn vị nào được cắt điện, nước, dịch vụ viễn thông trong thời gian này; tất cả cơ sở lưu trú có khách nước ngoài yêu cầu phải ở nhà, không được ra ngoài...

Chú thích ảnh
Thanh tra Sở GTVT Hà Nội tuyên truyền, yêu cầu xe taxi không được phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng tại Hà Nội rất lớn sau khi có trường hợp một người nước ngoài là ca bệnh 237 bị phát hiện mắc COVID-19 khi đi cấp cứu vì tai nạn. Bệnh nhân này đã kiến hơn 300 người bị cách ly.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Đức Chung nhận định, thời gian tới, sẽ có thể có thêm nhiều ca nhiễm mới. Bởi thế giới đã tổng kết 65% các ca dương tính với COVID-19 đều không có biểu hiện bên ngoài.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện phải lưu ý tất cả các trường hợp có yếu tố người nước ngoài; đi từ vùng dịch về; có yếu tố Bạch Mai; ho sốt… thì tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải đặc biệt lưu ý, phải cách ly lấy mẫu xét nghiệm ngay lập tức.

XC/Báo Tin tức
VCCorp và Lotus ủng hộ 2,88 tỷ đồng hỗ trợ các y bác sĩ phòng chống dịch COVID-19
VCCorp và Lotus ủng hộ 2,88 tỷ đồng hỗ trợ các y bác sĩ phòng chống dịch COVID-19

Ngày 4/4, Công ty Cổ phần VCCorp đã chuyển số tiền 2,88 tỷ đồng hỗ trợ các y bác sĩ phòng chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN