Theo nhiều người dân, sinh vật lạ này được bà con gọi là sâu biển hay sâu róm biển. Tái xuất hiện từ đợt Tết Nguyên đán đến nay, sinh vật lạ đã gây hại đàn ngao giống trên diện tích vài chục hecta. Chính quyền sở tại và cơ quan chức năng vẫn loay hoay chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ ngao giống cho bà con.
Vùng biển Kim Sơn có nghề nuôi ngao từ nhiều năm nay với diện tích lên tới 1.200 ha; trong đó, có 30 ha nuôi ngao giống. Nghề nuôi ngao góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên, một vài năm gần đây tại địa phương xuất hiện loại sinh vật lạ vừa giống như con đỉa vừa giống như con sâu róm, có chiều dài từ 3 đến 7 cm tấn công đàn ngao giống.
Sinh vật này ăn trọn con ngao giống to tầm đầu đũa, tuổi ngao được xác định giữa ngao tấm và ngao cúc. Thời điểm sinh vật lạ xuất hiện nhiều nhất khi thời tiết giao mùa, khí hậu ấm từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch. Những năm trước, loại sinh vật này xuất hiện ít, gây ảnh hưởng không đáng kể cho nghề nuôi ngao. Tuy nhiên, năm nay xuất hiện rất nhiều gây hại trên diện tích lớn ngao giống nên bà con hết sức lo lắng.
Anh Vũ Văn Thành, xóm 9, xã Cồn Thoi buồn bã chia sẻ, gia đình anh có 2 ha thả ngao giống và đã bị sinh vật lạ ăn hết. Mọi năm bị ăn ít nhưng vụ ngao giống năm nay diện tích nuôi ngao của gia đình bị sinh vật lạ phá hoại từ khoảng 30 Tết đến nay, khiến gia đình bị thiệt hại trên 200 triệu đồng. Anh mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp xử lý loại sâu biển này để nông dân tiếp tục sản xuất.
Cùng chung tâm trạng với anh Thành, anh Đoàn Văn Được, xóm 10, Kim Tân xót xa cho biết, gia đình có 7 ha nuôi ngao; trong đó, có 3,5 ha nuôi ngao giống, đến giờ này đã bị thiệt hại khoảng 80% trên tổng diện tích nuôi ngao giống mà không có biện pháp gì phòng chống hiệu quả. Gia đình anh Được mong cơ quan chức năng có biện pháp diệt sâu để bà con tiếp tục vụ thả nuôi mới. Anh Được còn cho biết thêm, khi tiếp xúc, va chạm phải con sâu thì bị ngứa và mưng mủ rất lâu khỏi nên rất nguy hiểm cho bà con. Ngoài biện pháp đánh đăng để bắt bớt sâu róm biển, bà con không còn biết sử dụng biện pháp nào khác.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Anh Khiêm, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết, Kim Sơn hiện có 1.200 ha nuôi ngao, từ vài năm nay vùng này phát triển thêm nghề nuôi ngao giống với diện tích khoảng 30 ha thuộc khu vực ngoài đê Bình Minh 3, từ Ngánh Đứt đến Ngánh Kim. Tại đây người dân ương ngao từ ngao tấm lên ngao cúc. Vụ ngao giống năm nay, chưa kịp vui mừng vì diện tích ương ngao tăng lên thì người dân lại đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn do con sâu biển sinh sôi, phát triển với mật độ từ 20 đến 30 con sinh vật lạ/m2 và đến ăn hại ngao của bà con. Theo thống kê sơ bộ, hiện đã có 30 ha ngao giống của 10 hộ nuôi trồng bị thiệt hại.
Trước tình trạng trên, UBND huyện Kim Sơn đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Chi cục Thú y và Chi cục Thủy sản kiểm tra ngoài thực địa, báo cáo lên cơ quan chuyên môn và gửi mẫu tới Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I để xác định giống, loài sinh vật lạ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả trả lời.
Để động viên bà con tiếp tục bám biển, UBND huyện Kim Sơn chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản và các ngành hữu quan tuyên truyền để người dân tạm hoãn thả giống, chờ kết quả của cơ quan cấp trên xử lý địch hại. Đối với các vùng ngao bị thiệt hại ở mức độ 50%, bà con nên cải tạo lại bãi ngao, nếu mật độ thưa thì thả thêm và quản lý bãi ngao chặt chẽ hơn. Mặt khác, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn khuyến cáo người dân sử dụng các biện pháp thủ công, dùng lưới chắn, xử lý kỹ càng trước khi thả ngao xuống vùng ương, tuyệt đối không sử dụng các chất cấm, chất độc hại làm ảnh hưởng đến môi trường vùng bãi.
Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng có giải pháp hữu hiệu để tiêu diệt loại sinh vật lạ kể trên, người dân nuôi ngao Kim Sơn vẫn phải ngậm ngùi nhìn diện tích ngao của mình bị tàn phá.