Người dân cùng chung tay phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các doanh nghiệp, người dân cần đẩy mạnh việc phân loại, thu gom rác thải tại nguồn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái chế. Việc thu gom tái chế hiệu quả sẽ giúp thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu chiều 14/10.

Chiều 14/10, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Đài truyền hình Việt Nam và các đơn vị đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Cơ hội và thách thức trong triển khai kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” và Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập PRO Việt Nam. 

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay, những từ khóa luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhắc đến nhiều nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và Việt Nam cũng đã có cam kết hướng tới Net-zero vào năm 2050. Thực tế, nền kinh tế Việt Nam sẽ không phát triển được nếu không phát triển xanh. Trong quá trình đó, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo rất quan trọng và việc đổi mới cần thực hiện từ bao bì với những sản phẩm mới, thân thiện với môi trường. 

Chú thích ảnh
Các đại biểu, người dân tìm hiểu về các sản phẩm được tái chế để bảo vệ môi trường.

"Hiện nay, việc phân loại, thu gom sản phẩm tái chế được xem là thu gom rác thải và chưa theo các quốc gia phát triển khi thực tế việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải là ngành kinh tế lớn, mang lại công ăn việc làm cho nhiều gia đình. Hiện tại các làng xử lý tái chế nhựa ở Việt Nam cũng còn bất cập về công nghệ và ô nhiễm bởi họ dùng công nghệ thủ công, chủ yếu là đốt, tách các thành phần để lấy các chất khác nhau trong chất thải. Vì vậy, để bảo vệ môi trường sống, đã đến lúc PRO Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh cuộc vận động người dân chung tay thực hiện phân loại rác tại nguồn, sau đó vận động doanh nghiệp cam kết thu gom tái chế lại, từ đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh bền vững", ông Bùi Thế Duy nói. 

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm thân thiện với môi trường đến khách tham quan.  

Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, PRO Việt Nam cần thu hút nhiều hơn các thành viên tham gia để có thể biến chất thải thành tài nguyên, nhiên liệu sau phân loại và tái chế lại trong sản xuất. Đối với các doanh nghiệp thu gom, xử lý chất thải cũng cần sớm chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh sang phát triển bền vững để sớm hình thành nền công nghiệp tái chế tại Việt Nam.

PRO Việt Nam được thành lập vào năm 2019 với sự tham gia của 9 thành viên là các công ty hàng đầu trong và ngoài nước hoạt động lĩnh vực hàng tiêu dùng, phân phối và bán lẻ. Đến nay, PRO Việt Nam đã có 30 thành viên. Mỗi công ty tham gia đều là những đơn vị dẫn đầu trong các lĩnh vực như sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ, nhập khẩu, thu gom và tái chế.  Mục tiêu chung mà PRO Việt Nam hướng tới là bảo vệ môi trường và phục vụ người tiêu dùng Việt Nam. Theo đó, nhiều công ty thành viên của Liên minh đã sử dụng logo PRO Việt Nam trên bao bì sản phẩm của mình như một minh chứng cho cam kết thu gom và tái chế bao bì mà họ đã đưa ra thị trường. 

Chú thích ảnh
Những sản phẩm tham gia PRO Việt Nam được trưng bày tại hội nghị. 

Trong năm 2024, khi quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) có hiệu lực, PRO Việt Nam cam kết thu gom và tái chế khoảng 64.000 tấn bao bì các loại để thực thi nghĩa vụ EPR theo ủy quyền của các công ty thành viên. Ngoài ra, để tiếp tục phát huy những thành quả này, PRO Việt Nam kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn từ các cơ quan Chính phủ, đặc biệt là trong việc hoàn thiện các chính sách và cơ chế hỗ trợ ngành tái chế và quản lý rác thải.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Xử lý nghiêm, đóng cửa cơ sở vi phạm môi trường tại làng nghề ở Bắc Ninh
Xử lý nghiêm, đóng cửa cơ sở vi phạm môi trường tại làng nghề ở Bắc Ninh

Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh quyết liệt triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm tại phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), Cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du) và xã Văn Môn (huyện Yên Phong) vẫn diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân. Tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo, xây dựng lộ trình xử lý tình trạng ô nhiễm trên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN