Trong đó, giải pháp quan trọng mang tính chiến lược là đầu tư tuyến ống chính dẫn nước từ Nhà máy cấp nước Nhị Thành (huyện Thủ Thừa) để đưa nước sạch về khu vực Chợ Trạm (huyện Cần Đước). Đến cuối tháng 4/2020, hệ thống đường ống chính dẫn nước này đã được triển khai đầu tư xong với công suất hơn 20.000 m3/ngày, đêm. Từ điểm cấp nước Chợ Trạm, nguồn nước tiếp tục được các đơn vị cung cấp đến các hộ dân thuộc thị trấn Cần Giuộc và các xã vùng hạ của hai huyện Cần Giuộc, Cần Đước. Nhờ đó, cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các xã vùng hạ.
Trước đó, Long An đã thực hiện nhiều dự án cấp nước có quy mô tại các xã vùng hạ như: Dự án cấp nước cho huyện Cần Giuộc và Cần Đước; dự án cấp nước cho hai xã Phước Lại, Long Hậu (huyện Cần Giuộc); dự án cấp nước cho 5 xã vùng hạ huyện Cần Giuộc; dự án cấp nước cho 4 xã vùng hạ huyện Cần Đước… Tuy nhiên, các dự án này sau khi hoàn thành nhiều hạng mục như trạm tăng áp, mạng lưới đường ống dẫn... vẫn phải nằm chờ do không có nguồn cấp nước.
Nguyên nhân chính là do nguồn nước ngọt tại chỗ ở các địa phương này không đảm bảo, thường xuyên nhiễm mặn, một số nơi không có mạch nước ngầm nên khai thác không đủ công suất cung cấp cho người dân. Phương án ban đầu được lựa chọn là các dự án này sẽ xây dựng đường ống tiếp nhận nguồn nước sạch từ Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn. Tuy nhiên, qua nhiều năm, việc thi công các đường ống tiếp nhận nguồn nước này chưa thể triển khai do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Thông qua việc thực hiện phương án lấy nước từ Nhà máy nước Nhị Thành, cơ bản đã giải quyết được nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng hạ của tỉnh Long An. Tỉnh tiếp tục yêu cầu các đơn vị tập trung khai thác hết công suất đường ống; đầu tư hệ thống ống dẫn đến các điểm dân cư ở xa trung tâm; xây dựng hệ thống ống dẫn đến các khu công nghiệp phục vụ sản xuất…
Huyện Cần Giuộc và huyện Cần Đước là hai địa phương xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng nhất của tỉnh Long An trong nhiều năm qua. Trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua, hơn 8.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Các hộ dân này phải mua nước ngọt từ các xà lan với mức giá đắt (từ 100.000 - 300.000 đồng/m3) hoặc trông chờ vào các xe bồn cấp nước của chính quyền địa phương.