Đơn cử, chỉ riêng tại bản Tân Tiến, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, hiện có gần 160 hộ dân trong tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt; xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu) có trên 3.440 hộ thì hơn 70% số hộ thiếu nước sạch sinh hoạt; xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) có khoảng 800 hộ chung tình trạng này. Ở các huyện khác như Nghi Lộc, Yên Thành, Hưng Nguyên... cũng có rất nhiều hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do Nghệ An nằm trong vùng hạn hán, nắng nóng của cả nước. Mặt khác, do địa chất, địa hình, nhiều địa phương trong tỉnh khan hiếm nguồn nước ngầm, có những địa phương thì nước ngầm bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, không sử dụng được cho sinh hoạt. Tại một số địa phương khác, tuy có hệ thống sông, suối chảy qua nhưng vào mùa nắng nóng, mực nước xuống thấp, có nơi bị nước mặn xâm nhập nên không thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Trong khi đó, do nguồn vốn để đầu tư xây dựng các hệ thống cung cấp nước sạch hạn chế nên việc xây dựng các công trình cấp nước cho người dân chưa đáp ứng được, khi nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ngày càng nhiều.
Để khắc phục tình trạng trên, một số gia đình có điều kiện đã tự đầu tư xây bể chứa nước mưa, tích trữ từ nhiều tháng, tuy nhiên vẫn không đủ nước cho sinh hoạt hàng ngày. Đối với những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống tích trữ nước mưa, buộc phải chấp nhận sử dụng các nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, an toàn theo quy định.
Tỉnh Nghệ An đã quy hoạch cụ thể các khu vực cấp nước sạch, trong giai đoạn năm 2015 - 2020 đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 21 công trình đầu mối cấp nước sạch tập trung. Tuy nhiên, đến nay tại Nghệ An, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh mới đạt 83%, dự kiến đến năm 2020 đạt 85%.