Bắt buộc lắp camera giám sát thi, truyền thẳng về Tổng cục
Tại các trung tâm đào tạo lái xe hiện nay, tỷ lệ học viên đỗ sát hạch lần đầu đã giảm mạnh so với trước đây (chỉ đạt bình quân khoảng 60%), thậm chí nhiều học viên phải thi lý thuyết tới 7 – 8 lần, thực hành 2 - 3 lần mới đạt, do quy chế sát hạch đã được các trung tâm bổ sung nhiều phần thi sa hình khó hơn, sát thực tế.
Tuy nhiên, vẫn còn khá phổ biến tình trạng học viên cố tình sử dụng thiết bị nghe nhìn trong phần thi lý thuyết và có tâm lý, kỹ năng thi thực hành không tốt, gây ảnh hưởng đến kết quả thi.
Theo ông Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô, 3 năm trở lại đây, tỉ lệ học viên đỗ sát hạch lần đầu đã giảm xuống còn khoảng 70%. Các bài thi sa hình đòi hỏi kỹ năng quan sát, phán đoán như: Lùi xe ghép đỗ ngang, qua đường vạch vuông góc, chèn vệt bánh xe… khiến nhiều học viên bị đánh trượt. Thực tế, đây là những tình huống phổ biến đối với lái xe khi tham gia giao thông.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong quy trình thực hành thi lý thuyết, các trung tâm đều phải thực hiện nghiêm. Học viên trước khi vào thi lý thuyết được giám thị phổ biến cụ thể quy trình, thủ tục, quy định cấm, hệ thống thị sa hình cũng được tích hợp tự động, thí sinh mắc lỗi nào, hệ thống giám sát sẽ lập tức thông báo và trừ điểm ngay tại chỗ, nên không có chuyện gian lận khi thi.
Tuy nhiên, để siết chặt hơn nữa các quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, đảm bảo học viên đủ điều kiện, kỹ năng cầm lái ra đường, có ý thức chấp hành luật giao thông, an toàn giao thông, Tổng cục đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư 12/Bộ GTVT sửa đổi.
Dự thảo Thông tư mới yêu cầu tất cả các trung tâm đào tạo lái xe bắt buộc phải lắp camera để giám sát các phần thi và truyền dữ liệu về thẳng Tổng cục, tiến tới lắp đặt thiết bị giám sát hành trình ngay trên các xe sát hạch để tính số km trên xe, chia ra số bình quân người học, minh bạch số km thực tế, hạn chế hiện tượng rút ngắn giờ thực hành trong đào tạo. Bên cạnh đó, tất cả học viên thi trượt lý thuyết, thực hành, cơ sở sát hạch bắt buộc sau 1 tháng mới cho thi lại để học viên có thời gian ôn luyện.
Cấm sát hạch 5 năm và đánh trượt học viên sử dụng điện thoại
Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, các trung tâm đào tạo lái xe tới đây sẽ phải kiểm soát chặt tình trạng học viên mang thiết bị nghe nhìn vào phòng thi. Nếu thí sinh vi phạm sẽ bị hủy kết quả thi.
“Thời gian qua, dư luận phản ánh về tình trạng nhiều học viên của các trung tâm đào tạo lái xe nộp tiền “chống trượt” với hy vọng sẽ được giám thị lơi lỏng khi thi. Hệ thống camera được lắp đặt trong các quy trình sát hạch hiện nay sẽ ‘soi’ vấn đề này. Đặc biệt, các trung tâm đào tạo lái xe phải thực hiện nghiêm túc việc bố trí tủ đựng đồ cá nhân cho học viên, đảm bảo học viên không mang điện thoại và các thiết bị viễn thông vào trong phòng sát hạch lý thuyết và trên xe sát hạch sa hình. Trường hợp cố tình sử dụng bị phát hiện sẽ bị lập biên bản hủy bỏ kết quả sát hạch và không cho phép học viên sát hạch trong thời hạn 5 năm”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay.
Ngoài ra, đối với các Trung tâm sát hạch lái xe có sân sát hạch lái xe ô tô hạng FC (xe đầu kéo, sơ mi rơ moóc), các cơ sở đào tạo khẩn trương cố định cọc chuẩn và vỉa hè hình sát hạch (bài ghép xe, tiến qua đường vòng vèo...); lắp đặt camera giám sát quá trình sát hạch và lưu trữ dữ liệu quá trình sát hạch trong hình tại Trung tâm sát hạch tối thiểu một năm.
Về công tác cấp, đổi và quản lý GPLX, các trung tâm đào tạo lái xe thường xuyên thống kê, báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin dữ liệu về lái xe gây tai nạn giao thông để phục vụ công tác điều tra, đối chiếu dữ liệu tới các cơ quan đăng kiểm, công an…