Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT – Bộ Công an) , số vụ tại nạn đường sắt đang diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do lái xe ô tô, người đi bộ thiếu quan sát, chủ quan, xem nhẹ các quy tắc giao thông, cố tình vượt đường sắt khi tàu đã đến gần.
Tai nạn giao thông thường xảy ra tại các nút giao cắt đường sắt - dường bộ. |
Theo ông Khương Thế Duy, Phó cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục và VNR phối hợp với các địa phương hiện đã xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào cách ly dọc đường sắt giúp xóa 263 lối đi tự mở qua đường sắt và thu hẹp được 1.679 lối đi, đạt 98% kế hoạch năm 2017. Tuy nhiên, nhiều vụ tai nạn đường sắt vẫn diễn ra chủ yếu ở các vị trí này. Riêng TP Hà Nội có hơn 162 km đường sắt, với 385 lối đi dân sinh tự mở, đến nay đã xóa được 27 điểm, làm gờ giảm tốc, thu hẹp lối hơn 200 điểm.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định, năm 2017 các địa phương đã vào cuộc đồng bộ và thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an toàn đường ngang. Song, hiện nay, số lượng đường ngang tự mở vẫn tồn tại nhiều, khiến kết quả giảm tai nạn chưa bền vững. Ngành đường sắt và địa phương cần phải tuyên truyền Luật Đường sắt cụ thể, sâu rộng hơn tại các khu dân cư có đường sắt đi qua, nhất là các vị trí có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, đồng thời tập trung ứng dụng công nghệ vào quản lý đường ngang.
Trước thực tế này, Đại tá Trần Quốc Trung, Phó cục trưởng Cục CSGT đề xuất trong khi sát hạch lấy giấy phép lái xe cần đưa nội dung thực hành điều khiển phương tiện qua đường sắt vào bài thi sát hạch, để tạo nhận thức cho người điều khiển phương tiện đường bộ. Ngoài ra, tại các nút giao đường bộ - đường sắt có lưu lượng giao thông lớn, cần ghi hình phạt nguội vi phạm quy tắc giao thông.