Tai nạn đường sắt giảm khi địa phương vào cuộc kịp thời

6 tháng đầu năm 2017, tai nạn đường sắt giảm cả 3 tiêu chí. Trong đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương quyết liệt, kịp thời dẹp vi phạm hành lang, xóa bỏ lối đi dân sinh, lập chốt gắc chắn… là những giải pháp hữu hiệu.

Cảnh giới 24/24 giờ

Đường sắt qua tỉnh Phú Thọ hiện có 17 chốt gác tại các điểm giao cắt với đường sắt. Hơn 1 năm qua, nhờ bố trí chốt gác 24/24 giờ, tại các vị trí giao cắt này đã không xảy ra vụ tai nạn đường sắt nào.

Tại các vị trí đường ngang không rào chán, gác chắn luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường sắt.

Đơn cử, tại vị trí giao cắt Km 78+744, thuộc địa phận phường Gia Cẩm (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), dù điều kiện thời tiết nào, tại chốt gác này, chị Nguyễn Thị Chuyên, ở tổ 25, khu 13, phường Gia Cẩm và hai nhân viên luân phiên khác luôn có mặt, tay đeo băng đỏ, tay cầm gậy gỗ báo hiệu mỗi khi có tàu đi qua để cảnh báo người dân. Hình ảnh các nhân viên gác chắn tại đây đã khiến tuyến đường dẫn vào khu dân cư, nơi có đông dân, học sinh qua lại, nhất là vào giờ tan tầm an toàn tuyệt đối.

Trước đây, khi chưa có chốt gác, việc đi lại cắt ngang đường sắt tại vị trí này lộn xộn, ít lâu lại có một vụ va chạm giao thông với tàu hỏa. Từ ngày có chốt gác, ý thức người dân đã được cải thiện rõ rệt. Người đi đường tôn trọng nhân viên gác chắn và tự giác tuân thủ luật giao thông khi đi qua đường sắt.

Theo Ban ATGT tỉnh Phú Thọ, năm 2013, tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 5 người; năm 2014 xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người; năm 2015 xảy ra 7 vụ, làm chết 6 người, bị thương 1 người; năm 2016 xảy ra 1 vụ làm chết 1 người. Các vụ tai nạn đều xảy ra tại các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt, nơi không có rào chắn, không có người cảnh giới.

Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Phú Thọ Nguyễn Quang Thanh cho biết, từ tháng 5/2016, Ban phối hợp với các địa phương có đường sắt chạy qua lập 17 chốt cảnh giới, mỗi vị trí bố trí 3 người cảnh giới liên tục 24/24 giờ. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, tai nạn đường sắt ở Phú Thọ đã giảm rõ rệt.

Khi chính quyền địa phương vào cuộc

Tại tỉnh Đồng Nai, chính quyền tất cả các huyện, thị xã, TP Biên Hòa hiện phối hợp chặt chẽ với Công ty CP Đường sắt Sài Gòn trong việc giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông ATGT đường sắt. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã giải tỏa gần 2,4 km hành lang, với 44 hộ dân, hàng chục lều quán, biển quảng cáo vi phạm, lấn chiếm đường sắt; xây dựng hàng rào chống tái lấn chiếm tại các vị trí giải tỏa; đồng thời xây 1,2 km đường gom để để xóa bỏ 13 lối đi dân sinh; xây 10 nhà chốt gác quy mô như nhà gác chắn của đường sắt và bố trí các ca gác luân phiên 24/24 giờ. Nhờ vậy, các “điểm nóng” tai nạn đường sắt qua tỉnh Đồng Nai trước đây hiện đã trở thành những điểm sáng của ngành Đường sắt.

Đường ngang có rào chắn, người gác chắn luôn đảm bảo an toàn giao thông.

"Về lâu dài, ngành Đường sắt đang thực hiện lộ trình lắp đặt cần chắn tự động tại các đường ngang không có người gác, nâng cấp đường ngang biển báo lên đường ngang có lắp cần chắn; xây dựng hàng rào, đường gom để từng bước xóa bỏ lối đi dân sinh qua đường sắt...", Tổng giám đốc VNR Vũ Tá Tùng cho hay.

Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Sài Gòn Nguyễn Đình Đảng cho biết: Việc kéo giảm tai nạn đường sắt tại Đồng Nai sau thời gian dài diễn biến phức tạp có vai trò chủ yếu của chính quyền cơ sở. Nếu chính quyền địa phương không vào cuộc, mọi giải pháp đều rất khó triển khai, Ngược lại, hiệu quả thấy rõ.


Xóa bỏ hàng trăm lối đi dân sinh

Thống kê của Ban An ninh - An toàn (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – VNR), tính từ 1/1 - 15/6, tai nạn đường sắt giảm cả 3 tiêu chí, khi chỉ xảy ra 151 vụ, so với cùng kỳ năm 2016, giảm 41 vụ (giảm 21,4%). Trong đó, tại đường ngang có biển báo xảy ra 9 vụ, giảm 6 vụ (giảm 40%), tại lối đi dân sinh 60 vụ, giảm 29 vụ (giảm 32,6%). Các vụ tai nạn làm 70 người chết, giảm 7 người (giảm 9,1%); bị thương 105 người, giảm 29 người (giảm 21,6%).

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc VNR chia sẻ, đây là kết quả bước đầu sau hàng loạt biện pháp cấp bách được triển khai quyết liệt trong toàn ngành Đường sắt sau khi tai nạn đường sắt diễn biến phức tạp, gia tăng sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Theo đó, từ tháng 2/2017, các đơn vị thuộc VNR đã cảnh giới bổ sung tại 120 vị trí đường ngang; rào đóng, xóa bỏ hơn 230 vị trí lối đi dân sinh, thu hẹp chiều rộng xuống dưới 1,5m tại 1.566 vị trí; cắm bổ sung biển báo hiệu “Chú ý tàu hỏa” 2.628 vị trí; cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới đường bộ tại 148 vị trí và tiến hành bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Đối với các lối đi dân sinh không thể thu hẹp mà chưa được cảnh giới, các đơn vị đã trực tiếp làm việc với Ban ATGT các địa phương để cảnh giới, hiện tại các địa phương đang duy trì cảnh giới tại 203 vị trí…

Bài và ảnh: Đăng Sơn/Báo Tin Tức
Ngành Đường sắt kỷ luật nhiều cá nhân, tập thể tại dự án 133 đường ngang
Ngành Đường sắt kỷ luật nhiều cá nhân, tập thể tại dự án 133 đường ngang

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về kết quả thực hiện Kết luận Thanh tra số 1725/KL-BGTVT về dự án xây dựng 133 đường ngang qua đường sắt trên toàn quốc do VNR làm chủ đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN