Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua tỉnh Bình Thuận dài hơn 175 km và là tuyến đường vận chuyển hàng hóa, hành khách số lượng lớn với khoảng 26 chuyến tàu và 500 lượt hành khách/chuyến. Bình Thuận còn có đoạn đường sắt nhánh dài 10 km từ ga Mường Mán về ga Phan Thiết.
Năm 2016, địa bàn tỉnh xảy ra hai vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm hai người chết, so với năm 2015, giảm 8 vụ, giảm 6 người chết, giảm 3 người bị thương. Dù vậy, trật tự an toàn giao thông liên quan đến đường sắt, đặc biệt là những điểm giao cắt giữa đường sắt với đường ngang dân sinh còn diễn biến phức tạp.
Nhằm tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam triển khai, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 – 2020.
Sở phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, có phương án cụ thể trong việc xóa bỏ các đường ngang dân sinh trái phép qua đường sắt; cương quyết chấm dứt việc để phát sinh đường ngang trái phép; tổ chức thực hiện cảnh giới bảo đảm an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt không có rào chắn.
Sở yêu cầu đơn vị quản lý, khai thác hạ tầng đường sắt trên địa bàn cung cấp lịch trình chạy tàu để tổ chức cảnh giới bảo đảm an toàn tại các đường ngang có người qua lại thường xuyên, kể cả đường ngang dân sinh. Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về an toàn giao thông đường sắt, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt là hành vi mở đường ngang trái phép qua đường sắt.