Tai nạn đường sắt, người đứng đầu địa phương không thể vô can

Công tác xử lý, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ muốn thu được hiệu quả triệt để trong thời gian tới phải gắn chặt với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các địa phương.

70% tai nạn đường sắt xảy ra tại các đường ngang

Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 – 2020 sau 3 năm thực hiện mặc dù đem lại hiệu quả nhất định, nhận được sự đồng thuận của người dân, nhưng tại nhiều địa phương có tuyến đường sắt đi qua vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trên toàn tuyến đường sắt hiện có 5.564 điểm giao cắt đường - bộ đường sắt (đường ngang), trong đó chỉ có 1.516 điểm hợp pháp có người gác chắn, cảnh báo tự động và biển báo, còn lại là tự mở. Tổng số điểm vi phạm dọc hành lang an toàn giao thông đường sắt (ATGTĐS) là 14.054 vị trí.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại hội nghị

Đáng chú ý, theo ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng giám đốc VNR, tình trạng hành lang ATGTĐS tại các địa phương luôn bị lấn chiếm, do người dân sống dọc ven đường sắt tự mở các lối đi ngày càng phức tạp, với khoảng 300 km đường bộ chạy dọc song song với đường sắt. Với ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ hạn chế, cộng với việc xử phạt của chính quyền các cấp các địa phương chưa nghiêm, không đủ sức răn đe, càng khiến vi phạm hành lang ATGTĐS gia tăng.

Tính đến 31/7/2017, VNR đã xóa bỏ được gần 400 đường ngang, thu hẹp được gần 1.000 vị trí giao cắt với đường ngang, cắm biển báo hiệu chú ý tàu hỏa trên 2.600 vị trí, ký cam kết  không vi phạm hành lang ATGTĐS với 1.500 hộ dân sinh sống dọc đường sắt, ra quân giải tỏa hơn 350 vị trí vi phạm hành lang… Tuy nhiên, tại các vị trí đường ngang tự mở, mặc dù VNR đã thường xuyên rào chắn, nhưng vẫn không thể ngăn chặn được việc tháo dỡ và đi lại tự do của người dân địa phương, nên vi phạm hành lang và tai nạn đường sắt, đường bộ tại các vị trí này khó thuyên giảm. Thông kê có tới 70% số vụ tai nạn đường bộ đường sắt xảy ra tại các vị trí đường ngang.

Chưa hết, theo VNR, trên toàn tuyến đường sắt hiện nay vẫn còn 10 địa phương vẫn chưa triển khai đầy đủ các quy chế ký với Bộ GTVT về tổ chức cảnh giới tại các đường ngang trái phép có nguy cơ vi phạm, tai nạn giao thông cao là: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận và 3 địa phương Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa chưa chỉ đạo cấp xã, phường, thị trấn tiếp nhận quản lý đường ngang tự mở. Thực tế này càng khiến tình trạng vi phạm hành lang ATGTĐS và nguy cơ tai nạn tăng cao.

Lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt


Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 33/CT-TT ngày 21/7/2017) về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2017 - 2020, yêu cầu các địa phương tập trung xử lý việc mở lối đi dân sinh, bán hàng, họp chợ, xây dựng lều quán, mái vẩy, lắp đặt biển quảng cáo… trong phạm vi bảo vệ công trình, hàng lang ATGT đường bộ, đường sắt.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT thực hiện quy chế phối hợp với các địa phương, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm về sử dụng, khai thác không gian trong phạm vi đất dành cho đường bộ, đường sắt hoặc chuyển chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền; đồng thời xây dựng lộ trình thay thế hệ thống biển báo hiệu đường bộ, gờ giảm tốc tại tất cả các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Kinh phí sử dụng từ Quỹ Bảo trì đường bộ.

Khi triển khai các dự án xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo đường bộ, đường sắt, các địa phương phải lập phương án bồi thường để thu hồi hết phần đất của đường bộ; tổ chức cắm đầy đủ mốc lộ giới xác định hành lang an toàn đường bộ và mốc giải phóng mặt bằng xác định phạm vi đất đã giải phóng mặt bằng theo quy định.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định: Công tác xử lý, giải tỏa vi phạm hành lang ATGTĐS, đường bộ muốn thu được hiệu quả triệt để trong thời gian tới phải gắn chặt với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, kiêm Trưởng ban ATGT địa phương trong việc xử lý, giải tỏa. Ngân sách Nhà nước đang hạn hẹp, nhất là kinh phí cho giải tỏa và bảo vệ hành lang, nếu địa phương nào phát động, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính quyền, chính trị từ cấp tỉnh tới cấp xã, phường, thị trấn vào cuộc kiên quyết thì ở đó hành lang ATGTĐS, đường bộ sẽ được đảm bảo.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng: Giải pháp trước mắt để bảo vệ hành lang ATGTĐS, đường bộ là các địa phương phải tập trung làm đường gom, để giải tỏa đường ngang dân sinh, đồng thời gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương trước các cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm và giải tỏa hành lang.

Đăng Sơn/Báo Tin Tức
Hà Nội: Giải tỏa hành lang đường bộ, đường sắt

Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông chào mừng kỷ niệm 66 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 16/8, huyện Thường Tín phối hợp với các lực lượng chức năng đã triển khai phương án giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN