Khôi phục rừng ngập mặn tại Quảng Nam: Giúp người dân có sinh kế bền vững

Trừ những ngày mưa bão, những ngày biển động, còn lại phần lớn các ngày trong năm, bà Phạm Thị Hải cùng nhiều phụ nữ khác ở thôn Long Thạnh Tây, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam có thêm nguồn thu nhập từ việc khai thác các loại thủy sinh như cua, cá, ốc, điệp, vẹm, tôm càng xanh sinh sôi rất nhanh trong môi trường rừng ngập mặn để bán cho các quán ăn, nhà hàng.

Chú thích ảnh
Cánh rừng ngập mặn rộng hơn 20 ha của người dân thôn Bình Trung và Xuân Mỹ, xã Tam Hải, huyện Núi Thành. 

Bà Hải cho biết, các loại thủy sản sinh sôi ở vùng nước rừng ngập mặn rừng đước thôn Long Thạnh Tây đều thơm ngon hơn những nơi khác. Do đó, các quán ăn, nhà hàng đều mua hết để phục vụ khách du lịch. Nhờ vậy, mỗi ngày bà kiếm được hơn 200.000 đồng.

Trưởng thôn Long Thạnh Tây Phạm Minh Quang cho biết, sinh kế do các cánh rừng ngập mặn xung quanh xã đảo Tam Hải đem lại cho bà con, những người không đủ sức lao động nặng nhọc và không có phương tiện đi biển nguồn thu nhập khá ổn định. Vì vậy, việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn trên đảo đã trở thành mối quan tâm chung của cả cộng đồng. Để phát triển rừng ngập mặn, cứ mỗi mùa trái cây đước chín, bà con trong tổ trồng rừng đều thu hoạch trái để ươm cây giống. Các loại cây ngập mặn ở đây rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và môi trường nên tỷ lệ sống cao, phát triển nhanh.

Sau mỗi mùa trồng rừng, công tác chăm sóc cây luôn được người dân nơi đây đặc biệt chú trọng. Các thành viên trong tổ trồng rừng ngập mặn thường xuyên kiểm tra, chăm sóc, làm vệ sinh để cây phát triển khỏe mạnh. Thông qua các buổi họp thôn, các đoàn thể, thành viên trong tổ còn tích cực tuyên truyền về vai trò của việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn đối với cuộc sống của người dân trên đảo.

Trưởng thôn Long Thạnh Tây Phạm Minh Quang phấn khởi cho biết, khi cây trưởng thành, bộ rễ chắc khỏe và cắm sâu xuống nước, rừng đước ngập mặn không những góp phần hạn chế thiệt hại của gió bão, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sạt lở xung quanh đảo mà còn tạo ra sinh kế bền vững cho nhiều hộ dân. Nhờ vậy, tình trạng chặt cây đước để làm củi đốt hoặc lấy diện tích rừng ngập mặn để nuôi thủy sản lồng bè không còn.

Theo Chủ tịch UBND xã Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng, trước đây, xung quanh xã có những cánh rừng dương chắn gió, rừng đước ngập mặn quanh năm xanh tốt rộng hàng trăm ha, phong phú về chủng loại cây tự nhiên bản địa và nhiều loài thủy sinh có giá trị kinh tế cao sinh sống. Những cánh rừng này không chỉ là lá phổi tự nhiên của cư dân trên đảo mà còn là tấm lá chắn hiệu quả cho cộng đồng trong mỗi mùa mưa bão.

Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, “làn sóng” nuôi tôm trên cát đã khiến nhiều vạt rừng dương quý bị chặt phá để lấy đất, nhiều ha rừng đước ngập mặn bị xâm hại. Mất đi những cánh rừng ngập mặn, chắn gió là nguyên nhân trực tiếp khiến tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Hàng chục ha đất canh tác, hàng chục nhà ở của người dân nơi đây đã bị sóng biển đánh sập và cuốn trôi. Trước thực trạng này, chính quyền xã đã thành lập tổ trồng và bảo vệ rừng ở các thôn Long Thạnh Tây, Bình Trung và Xuân Mỹ nhằm bảo vệ diện tích rừng dương và rừng đước ngập mặn còn lại; đồng thời tích cực phát triển diện tích rừng. Theo đó, việc bảo vệ và phát triển rừng dương chắn gió, rừng đước ngập mặn trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu trong công tác thi đua giữa cộng đồng dân cư các thôn trên đảo.

Cùng với đó, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại miền Trung, Việt Nam” do Tổ chức phi chính phủ CRS (Mỹ) hỗ trợ được triển khai tại xã Tam Hải đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sau gần 10 năm tích cực bảo vệ và trồng mới rừng ngập mặn, rừng dương chắn gió từ nhiều nguồn vốn của các chương trình khác nhau, đến nay, diện tích rừng trồng mới của địa phương là hơn 20 ha, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn trên đảo lên trên 65 ha. Đây không chỉ là những tấm chắn xanh kiên cố giữa biển mà còn là nguồn sinh kế bền vững cho không ít cư dân trên đảo.

Với gần 1.600 ha đất tự nhiên, sở hữu nhiều thắng cảnh, nhiều hòn đảo mọc lên giữa biển và hơn 10 nghìn nhân khẩu, xã Tam Hải được xem như viên ngọc thô chưa được mài giũa trong tam giác du lịch biển đảo Cù Lao Chàm (Hội An) - Tam Hải (Núi Thành) - Lý Sơn (Quảng Ngãi).

"Trước khi trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch biển đảo, Tam Hải phải thật sự là “đảo xanh” bởi sự đồng thuận của cộng đồng trong hành trình khôi phục, giữ gìn và phát triển rừng đước ngập mặn, rừng dương chắn gió. Người dân xã Tam Hải đã, đang và sẽ tiếp tục bền bỉ với hành trình này để tiến tới mục tiêu “xanh hóa” vòng quanh đảo bằng rừng dương và rừng đước ngập mặn", Chủ tịch UBND xã Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng tự tin khẳng định.

Bài, ảnh: Hữu Trung (TTXVN)
UAE nỗ lực phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn 
UAE nỗ lực phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn 

Với 80% diện tích là sa mạc, nắng nóng khắc nghiệt và quá trình đô thị hóa nhanh, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang nỗ lực phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển nhằm chống biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN