Gian nan giữ rừng ngập mặn

Tỉnh Bạc Liêu có tổng diện tích rừng phòng hộ ven biển hơn 4.200 ha, trong đó có trên 1.500 ha rừng nguyên sinh ngập mặn vào năm 2000, nhưng đến nay diện tích có rừng đã giảm gần 1.100 ha, đặc biệt là chất lượng rừng bị suy thoái nghiêm trọng.

Nguyên nhân do công tác quản lý bảo vệ rừng, giao khoán rừng và đất rừng còn nhiều bất cập; cộng với quá trình sạt lở và xâm thực bờ biển diễn biến phức tạp; các giải pháp kỹ thuật tác động để nâng cao chất lượng rừng chưa được áp dụng đồng bộ, dẫn đến hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại địa phương thấp, kéo theo cuộc sống của hàng vạn người dân sống dựa vào tài nguyên biển trở nên bấp bênh, khó lường.

Áp lực sinh kế

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, hiện trên toàn khu vực lâm phần ven biển của tỉnh có gần 950 hộ dân với khoảng 3.700 nhân khẩu sống dựa vào việc khai thác nguồn lợi thủy sản. Cụ thể như xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, xưa nay nổi tiếng với các loại đặc sản riêng có của vùng châu thổ ven biển như sâm đất, cá thòi lòi, ba khía, ốc len, cua, tôm... với những khu rừng ngập mặn bạt ngàn cây bần, vẹt, đước… mọc tự nhiên, tạo nên "vành đai xanh chắn sóng" bảo vệ những bãi triều trước sự tàn phá của sóng biển. Nhưng hiện tại, rừng đang bị thu hẹp nhanh chóng, nhường chỗ cho những ao, đìa nuôi tôm, cua tự phát và những mái nhà tạm mọc lên nhan nhản. Còn trong vùng “lõi” của rừng ngập mặn, vô số các bụi đước, mắm biển, bần… bị đào bới, chặt phá nham nhở do hàng ngày có tới hàng trăm lượt người xâm nhập vào rừng ngập mặn để soi, bắt tôm, cá, đào ngao, ốc, thu nhặt các loại thủy, hải sản nhuyễn thể làm cây bị trốc rễ, gãy đổ chết dần.

Trao đổi với ông Tám H từng làm kiểm lâm viên, ngụ tại Vĩnh Hậu A về việc nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng ngập mặn ở xã, ông cho biết: Ngoài Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình), các xã Phước Long (huyện Phước Long) hoặc Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi), phường Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu)… các mô hình nuôi tôm, cua, cá dưới tán rừng phòng hộ trước kia mang lại những hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy vậy, gần 400 hộ nhận khoán đất rừng với diện tích hơn 3.000 ha nhưng ý thức chăm sóc, bảo vệ rừng rất hạn chế. Chuyện đổ rác thải tràn lan từ các đìa, ao tôm làm ô nhiễm môi trường diễn ra hàng ngày, rồi trữ nước trong các vũng tự tạo chứa tôm cá gây ngập úng triền miên làm các loại cây ngập mặn chết dần chết mòn. Nếu cơ quan chức năng không thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm, thì nguy cơ rừng ngập mặn tại Bạc Liêu bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng trước các hoạt động đào, lấp, cải tạo mặt nước nuôi trồng thủy sản.

Ngay đường vào thuộc vùng kiểm soát của Đồn Biên phòng Nhà Mát thành phố Bạc Liêu, dù có biển đề “Khu quân sự cấm vào”, nhưng ngay cạnh đó là một lều tạm và chiếc máy nổ hiện diện giữa khu đất rừng bị chặt phá tan hoang. Điều đáng buồn là chính khu vực này được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bạc Liêu chọn là nơi trồng 2.000 cây xanh hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2019.

Không khó nhận thấy dọc tuyến đường từ phường Nhà Mát đến huyện Hòa Bình, ngoài những căn lều tạm bợ, nhà cấp 4 đã thấy hiện diện các ngôi nhà xây khá khang trang trên đất rừng phòng hộ nơi đây. Theo nhận xét của anh bạn đồng nghiệp thường trú tại địa phương, ngoài những hộ dân bản địa bám trụ sống “chui lủi” nhiều năm trong rừng ngập mặn chặt cây đốt than và săn bắt thủy hải sản, hàng trăm hộ nhận khoán đất rừng nghiễm nhiên tự cho mình có quyền khai thác đất rừng theo nhu cầu phát triển kinh tế của họ. Song chính họ đang vô tình hủy hoại môi trường ven bờ, làm suy giảm đa dạng sinh học phong phú vốn có. Nên tình trạng ao, đìa nuôi thủy sản bị ô nhiễm phải bỏ hoang hóa không phải là chuyện hiếm gặp. Minh chứng là gần 400 hộ nhận khoán đất rừng chỉ có 30% hộ sản xuất theo mô hình tôm-rừng đạt mức thu nhập hơn 20 triệu đồng/năm.

Hệ sinh thái suy giảm nhanh do nước biển dâng

Diện tích rừng ngập mặn bị mất chủ yếu tập trung ở các vùng cửa biển Nhà Mát, Cái Cùng, Gành Hào và nhiều bãi triều, bãi ngang ven biển khác. Thời gian qua, do sự phát triển của các cơ sở nuôi trồng thủy sản, trồng cây nông nghiệp và xây dựng khu du lịch ven biển, đặc biệt là do sóng biển và triều cường ngày càng mạnh với nhiều dấu hiệu bất thường đã khiến diện tích đất rừng phòng hộ ven biển và rừng ngập mặn tại Bạc Liêu tiếp tục suy giảm nghiêm trọng.

Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ, hiện rừng ngập mặn của Bạc Liêu giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến kênh 30/4 và đoạn từ kênh Ba đến cửa Gành Hào dài khoảng 15km bị xói lở quanh năm. Giai đoạn 2005-2015 diện tích rừng trên địa bàn tỉnh giảm trên 2.000 ha. Nguyên nhân chủ yếu là năm 2005 có trên 2.000 ha đất bãi bồi ven biển được quy hoạch trồng rừng phòng hộ, nhưng đến năm 2015 chỉ còn 413,5 ha do hiện tượng xói lở và xâm thực của biển, dẫn đến sự biến mất của các bãi bồi và sạt lở bờ biển xảy ra nghiêm trọng nhất trên địa bàn xã Vĩnh Thạch Đông, phường Nhà Mát và thị trấn Gành Hào.

Đến nay, diện tích rừng phòng hộ ven biển của tỉnh Bạc Liêu so với quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 là 7.500 ha, cần phải phát triển thêm hơn 3.200 ha nữa. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang diễn biến phức tạp, khó lường, dẫn đến sạt lở bờ biển ở Bạc Liêu ngày càng nghiêm trọng, đây là một thách thức rất lớn đối với tỉnh để đáp ứng mục tiêu đề ra.

Từ thực tế đó, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ và Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam khuyến cáo: Ngoài chống biến đổi khí hậu, ngăn mặn xâm thực, giữ nước ngọt, chắn sóng, gió bão, rừng ngập mặn còn là cái nôi để cho các loại thủy sinh trú ngụ sinh sản. Do đó, tỉnh Bạc Liêu cần lập bản đồ quy hoạch, phân vùng, kiểm kê số cây còn sống ở mỗi khoảnh rừng ngập mặn và công bố rộng rãi để quản lý nghiêm ngặt; ký kết văn bản giao trách nhiệm, hỗ trợ về mặt vật chất đến mức cao nhất có thể cho từng hộ dân tiến hành tái trồng và bảo vệ các khu rừng ngập mặn. Mặt khác, tỉnh kiên quyết xử lý và hủy hợp đồng bảo vệ rừng với các đối tượng vi phạm lâm luật.

Ngoài việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, kiểm soát chặt chẽ việc nuôi trồng thủy sản trên đối tượng được giao khoán cho tổ chức, cá nhân và hộ gia đình, tỉnh cần đẩy mạnh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, phát triển trồng rừng trên đất trống, bãi bồi, những nơi sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao; áp dụng các giải pháp lâm sinh về tỉa thưa nuôi dưỡng để chống suy thoái rừng, triển khai bố trí sắp xếp lại dân cư ở khu vực rừng phòng hộ xung yếu theo Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 mà UBND tỉnh đã ban hành. Đồng thời, tỉnh nghiên cứu phát triển dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái, điện gió… nhằm tạo thêm nguồn thu để bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh.

Văn Hào (TTXVN)
Rác 'bức tử' rừng ngập mặn nguyên sinh ven đê sông Lam
Rác 'bức tử' rừng ngập mặn nguyên sinh ven đê sông Lam

Được xem là lá phối xanh, bảo vệ hệ thống đê điều, chống ngập mặn, xói lở nhưng cánh rừng bần nguyên sinh ven sông Lam (Nghệ An) lại đang bị rác thải “bức tử”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN