Rất nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội... đưa ra nhằm giảm thiểu rủi ro thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra. Trong đó, trồng rừng ngập mặn, rừng đầu nguồn là một giải pháp quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Rừng ngập mặn không chỉ có tác dụng bảo vệ đê điều, khu dân cư, bảo tồn, gìn giữ môi trường và tài nguyên sinh vật mà còn có tác dụng điều hòa khí hậu, làm giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn còn góp phần mở rộng thềm lục địa và cải thiện kinh tế cho người dân.
Bảo vệ và phát triển rừng ven biểnNhà nước đã ban hành tương đối đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, các chính sách để ưu tiên phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ thông qua Luật bảo vệ rừng năm 2004; ngoài ra còn có Nghị định 119/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020.
Trên cơ sở đó, tháng 7/2016, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Tổng cục Lâm nghiệp đã ký kết Bản ghi nhớ trong phối hợp triển khai Dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” và quản lý các diện tích rừng do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trồng.
Đoàn viên thanh niên và nhân dân địa phương trồng rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định). Ảnh: Văn ĐạtTTXVN |
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Cao Chí Công cho biết, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai công tác trồng rừng. Hai bên đã phối hợp khảo sát đánh giá thực trạng tại địa phương để đưa ra phương án trồng rừng phù hợp, thống nhất phương án, quy hoạch trồng rừng để Hội Chữ thập đỏ các địa phương triển khai thực hiện. Tổng cục Lâm nghiệp cũng đã giới thiệu các đơn vị có chuyên môn để tư vấn cho Trung ương Hội Chữ thập đỏ phối hợp triển khai trồng và chăm sóc rừng...
Ông Cao Chí Công cho biết thêm, hiện nay, hoạt động trồng rừng sản xuất không cần bất cứ chính sách gì các chủ rừng vẫn trồng rất tốt và hiệu quả nhưng đối với trồng rừng phòng hộ đặc dụng thì lại vô cùng khó khăn, đặc biệt là trồng rừng ven biển. Việc trồng rừng đã khó khăn, việc bảo vệ rừng còn khó khăn hơn nhiều. Có một thực trạng là: Hội Chữ thập đỏ trồng rừng tại địa phương nhưng lại không phải là chủ rừng, diện tích rừng được trồng chưa bàn giao được cho chủ rừng cụ thể nên công tác quản lý, bảo vệ rừng tại một số địa phương chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, tại một số nơi còn xảy ra việc tranh chấp trong săn bắt, nuôi trồng thủy sản...
Phó trưởng Ban Phòng ngừa và ứng phó thảm họa, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Sĩ Pha chia sẻ, dự án trồng rừng ngập mặn hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Chiến lược quản lý, sử dụng, phát triển bền vững những diện tích rừng do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trồng chưa thực sự được quan tâm và đầu tư đúng mức. Ở một số nơi, nhiều diện tích rừng bị chặt phá để sử dụng vào những mục đích khác. Bên cạnh đó, Bản đồ hiện trạng về diện tích rừng, quyền sử dụng đất đối với diện tích rừng ngập mặn do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trồng chưa được chính quyền địa phương xác nhận. Tính đến nay, ngoài Ninh Bình là địa phương mà UBND tỉnh đã giao Hội Chữ thập đỏ quản lý diện tích rừng đã trồng thì mới có 3/9 tỉnh được xác nhận bản đồ hiện trạng là: Nam Định, Thanh Hóa và Quảng Ninh. Ngoài ra, tại các địa phương chưa có phương án khai thác kinh tế từ rừng ngập mặn.
Theo ông Trần Sĩ Pha, để tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững các diện tích rừng ngập mặn do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trồng, Hội đang lên ý tưởng xây dựng thí điểm mô hình du lịch sinh thái rừng ngập mặn, sinh kế bền vững gắn với biển – rừng... tại ít nhất 50% các tỉnh, thành có dự án trồng rừng ngập mặn của Hội.
Để nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng ngập mặn, rừng đầu nguồn, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai Bùi Quang Huy cho rằng, cần phối hợp công tác phòng chống thiên tai gắn với sinh kế người dân mới thuyết phục được người dân tham gia.
Dự án “5 nhất”
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là đơn vị luôn tiên phong trong các hoạt động phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa. Nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn, năm 1994, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa”. Dự án được Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch tài trợ từ năm 1994 - 2005. Từ năm 1997 - 2015, dự án được Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ thông qua Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Dự án tiếp tục được Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ trực tiếp từ 4/2016 đến 8/2017. Tổng kinh phí thực hiện dự án những năm qua đạt trên 11,3 triệu đô la Mỹ, trong đó Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ trên 7,2 triệu đô la Mỹ.
Dự án trồng rừng ngập mặn được Hội Chữ thập Việt Nam thực hiện tại 10 tỉnh: Thanh Hoá, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc và Hoà Bình. Trong đó, 8 tỉnh thực hiện trồng rừng ngập mặn và 2 tỉnh trồng rừng phòng hộ. Các loại cây được trồng là: Trang, đước và bần. Rừng ngập mặn do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trồng chiếm trên 4,27% tổng diện tích rừng ngập mặn hiện đang tồn tại tại Việt Nam, chiếm 25% diện tích rừng tại các tỉnh có triển khai chương trình.
Dự án trồng rừng ngập mặn được đánh giá là dự án “5 nhất” của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đây là dự án có thời gian triển khai dài nhất, từ năm 1994 đến năm 2017. Dự án được triển khai ở nhiều địa bàn nhất: 166 xã trồng rừng, 392 xã được can thiệp các biện pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thảm họa. Dự án có nhiều thành phần cộng đồng tham gia nhất: Hơn 324.000 học sinh, hơn 10.000 giáo viên, hơn 6.000 cán bộ xã. Dự án có số lượng người hưởng lợi nhiều nhất với hơn 9 triệu người. Đây còn là dự án có hiệu quả nhất vì đến năm 2025, số rừng ngập mặn này sẽ hấp thụ được ít nhất 16,3 triệu tấn CO2, tương đương 218,81 triệu đô la Mỹ.
Đến nay, về cơ bản dự án đã được hoàn thành, đáp ứng được mục tiêu đề ra. Thực hiện dự án đã có 24.000 ha rừng ngập mặn được trồng hiện còn sống, bảo vệ được gần 100 km đê biển... Ngoài ra, dự án còn trồng được 103 ha tre bảo vệ đê sông và 398 ha phi lao bảo vệ ven biển. Bên cạnh đó, dự án còn thực hiện hỗ trợ xây dựng cộng đồng an toàn - giảm thiểu rủi ro thảm họa tại 392 xã thông qua việc nâng cao nhận thức, năng lực về phòng chống thiên tai, thảm họa cho chính quyền và người dân. Những can thiệp của dự án chính là các hoạt động cụ thể hoá chiến lược của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa. Đây cũng là mô hình điểm được các Hội ở các quốc gia đến tham quan và học tập trong nhiều năm qua.