Nhiều nơi không còn rừng ngập mặn bảo vệ đê biển

Đê biển trên địa bàn từ thị xã Hà Tiên đến huyện An Minh thuộc tỉnh Kiên Giang đang bị xói lở nghiêm trọng, rừng phòng hộ cũng mất dần, đe dọa trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân khu vực ven biển.

Sạt lở ngày càng nhiều

Từ nhiều năm nay, tình hình sạt lở, xói mòn xảy ra ở một số khu vực dọc đai rừng ven biển các đoạn thuộc xã Thổ Sơn, Lình Huỳnh và Bình Giang, huyện Hòn Đất với trên 191 ha, dài gần 9 km. Nghiêm trọng nhất từ ấp Hòn Quéo, xã Thổ Sơn đến ấp Bình Hòa, xã Bình Giang, nhiều nơi không còn rừng ngập mặn để bảo vệ đê biển. Thủy triều và các con sóng có thể tràn vào đầu kênh và đánh vào thân đê, dẫn đến sạt lở và vỡ đê, ảnh hưởng đến công tác trồng, chăm sóc và tái sinh rừng.

Đất ở của người dân ấp Bình Hòa, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất bị xói lở ra xa cả trăm mét.

Ông Trần Trọng Thân, ngụ ấp Hòn Me, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất cho biết, sau hơn 13 năm nhận giao khoán đất rừng phòng hộ ven biển với 6 ha, hàng năm, rừng bị xói lở, đến nay chỉ còn lại khoảng 1,5 ha. Còn ông Nguyễn Văn Thu, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất cho hay, từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng do biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, đê biển bị sạt lở ngày càng nhiều cộng với triều cường dâng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của gia đình. Hai năm trở lại đây, rừng phòng hộ ven biển do gia đình ông Thu quản lý bị lở 30 m.

Rừng phòng hộ huyện An Biên, An Minh có chiều dài trên 60 km, từ Mũi Rãnh, xã Tây Yên, huyện An Biên đến rạch Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh với diện tích trên 4.000 ha và nằm trong khu vực 10 xã của hai huyện này. Diện tích rừng phòng hộ ven biển có hai loại chính là đai chính và đai phụ; trong đó có trên 1.120 ha đai rừng chính là cây mắm tự nhiên, đai rừng phụ chủ yếu là cây đước với diện tích gần 3.000 ha. Hiện nay, đai rừng phụ hầu hết đã được giao khoán cho các tổ chức và cá nhân bảo vệ khai thác phát triển kinh tế kết hợp trồng rừng.

Hiện nay, khu vực rừng phòng hộ ở hai huyện này chỗ nào cũng xuất hiện các điểm sạt lở nghiêm trọng; nhiều khu vực nước biển đã vào sâu bờ hàng ki lô mét và kéo dài khoảng 25 km dọc theo bờ biển. Theo bà con nhận khoán đất rừng, chỉ tính hai năm gần đây tình trạng xâm thực biển đã cuốn hàng trăm héc ta nuôi trồng thủy sản gần bờ và tuyến rừng phòng hộ, tương đương khoảng 60% diện tích ban đầu.

Theo anh Trần Văn Hẹn, Tổ trưởng Tổ quản lý rừng ấp Kim Qui B, xã Vân Khánh, huyện An Minh, những năm trước, người dân nhận đất rừng đã tận dụng khai thác tốt rừng phòng hộ ven biển với diện tích đất rừng được giao khoán. Nhiều hộ đã phát triển đất rừng nuôi trồng thủy sản gắn với trồng mới dưới tán rừng. Đây chính là nguồn thu nhập chính của người dân vùng ven biển. Tuy nhiên, những hộ nhận khoán giờ không còn thu được gì được dưới tán rừng. Trước tình trạng sạt lở đất rừng nghiêm trọng hiện nay, rất nhiều hộ phải di dời nơi khác để ổn định cuộc sống.

Cần giải pháp căn cơ

Theo ông Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng An Biên - An Minh, để giữ được rừng, đảm bảo cuộc sống của nhân dân vùng ven biển, điều quan trọng và cần thiết nhất phải bảo vệ được đê biển. Tuy nhiên, để bảo vệ được đê biển trong tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay thì phải có biện pháp căn cơ và triển khai ngay từ lúc này.

Thực tế, hầu hết người dân sống ven rừng phòng hộ đều ý thức được tầm quan trọng của rừng với cuộc sống của họ. Tuy nhiên, một số ít vẫn vì lợi ích cá nhân gây tổn hại tới diện tích rừng ven biển, dẫn đến sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư trong quá trình sản xuất, nuôi trồng thủy sản.

Trước thực trạng sạt lở ở một số nơi trên bờ biển thuộc tỉnh Kiên Giang, ngành chức năng tìm mọi giải pháp để phục hồi diện tích rừng. Ông Trương Văn Thước, Trạm trưởng Trạm quản lý rừng Vàm Rầy (Ban Quản lý rừng Hòn Đất - Kiên Hà) cho biết, ngoài việc bảo vệ, phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển hiện có, Ban Quản lý lựa chọn những loại cây kết hợp xây dựng quy trình trồng rừng phù hợp với từng điều kiện thổ nhưỡng nhằm đảm bảo tỷ lệ cây sống cao, thành rừng có chất lượng và bền vững, nhất là những vùng đang bị xói lở nghiêm trọng.

Ông Phan Văn Hùng, Giám đốc Ban Quản lý rừng Hòn Đất - Kiên Hà chia sẻ, Ban Quản lý rừng đã xây dựng vườn ươm 5 ha phục vụ cho dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 tại khu vực ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất.

Thời gian tới, Ban Quản lý tiếp tục quản lý, bảo vệ rừng kết hợp xây dựng các mô hình hoạt động có sự tham gia của cộng đồng cư dân vùng ven biển. Đồng thời đẩy mạnh các mô hình canh tác, chọn giống cây trồng, vật nuôi thích ứng, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển theo hướng bền vững, bảo vệ tài nguyên rừng đáp ứng mục đích kinh tế - xã hội, quốc phòng để chống xói mòn.

Ngoài ra, Ban Quản lý cũng đẩy nhanh tiến độ trồng rừng ven biển, cắm mốc rừng phòng hộ ven biển; tiếp tục bảo vệ và xây dựng vốn rừng; giải quyết đồng bộ nghĩa vụ và quyền lợi của người giữ rừng, tạo động lực nghề rừng phát triển.
Bài và ảnh: Lê Sen
Trồng rừng ngập mặn ngăn xói lở đê biển
Trồng rừng ngập mặn ngăn xói lở đê biển

Để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, UBND tỉnh Bến Tre vừa phê duyệt dự án Chống xói lở, gây bồi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển Thừa Đức, huyện Bình Đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN