Trồng rừng ngập mặn ngăn xói lở đê biển

Để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, UBND tỉnh Bến Tre vừa phê duyệt dự án Chống xói lở, gây bồi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển Thừa Đức, huyện Bình Đại.


Dự án gồm các hạng mục: Trồng mới trên 50 ha rừng; công trình hạ tầng giao thông phục vụ lâm sinh kết hợp dân sinh; hệ thống kênh tiêu thoát, dẫn nước phục vụ trồng rừng và chữa cháy rừng. Đây là dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn trên 43 tỷ đồng từ Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu (SP - RCC) và ngân sách tỉnh đối ứng. Dự kiến triển khai vào năm 2016, Dự án Chống xói lở, gây bồi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển Thừa Đức được thực hiện sẽ tạo ra một dải rừng ngập mặn đủ lớn để bảo vệ hệ thống đê biển.

Bờ Nam của cửa biển Cửa Đại, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre bị sạt lở nghiêm trọng.

Từ năm 2011 - 2014, tình trạng nước biểm xâm thực và cát tràn xảy ra đã gây thiệt hại khoảng 42 ha rừng thuộc huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre), làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 100 hộ dân thuộc xã Thừa Đức, huyện Bình Đại.

Ông Phan Anh Dũng, Phân khu trưởng Phân khu phòng hộ Bình Đại (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre) cho biết: 1,3 ha rừng cây đưng nằm ngoài đê biển thuộc xã Thừa Đức được trồng vào năm 1998; từ năm 2009 hiện tượng nước biển xâm thực, gây xói lở bắt đầu xảy ra nên đến năm 2013, diện tích rừng và đất rừng trên không còn nữa. Có 2,3 ha rừng đước ở xã Thới Thuận được trồng vào năm 2003, đến năm 2010 cũng bị mất do cát tràn.

Nước biển xâm thực vào sâu trong đất liền.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thừa Đức Nguyễn Văn Đởm, khoảng 5 năm trước, tại điểm Cống bể nhỏ (một ngư trường nuôi tôm), cơ quan chức năng đã trồng khoảng 20 ha rừng nhưng hiện nay nơi này đã bị nước biển xâm thực mất hết.

Còn chị Phan Thị Thanh Hằng ở xã Thạnh Phước (huyện Bình Đại) cho biết, trước đây mẹ chị thuê 10 ha đất rừng ở ấp Thừa Tiên, xã Thừa Đức để nuôi tôm, cua. Nhưng mỗi năm nước biển xâm thực gây sạt lở làm mất khoảng 1 ha đất, giờ đây diện tích gia đình chị thuê chỉ còn 3 ha. Huyện Bình Đại có 1.087 ha rừng (gồm rừng sản xuất và rừng phòng hộ) và đất rừng nằm trên địa bàn 4 xã Thừa Đức, Thới Thuận, Bình Thắng và Thạnh Phước. Rừng trồng chủ yếu là các loại cây chắn sóng như: Đước, mắm, phi lao... Vị trí bờ Nam cửa biển Cửa Đại, xã Thừa Đức (huyện Bình Đại) bị sạt lở nghiêm trọng nhất. Cụ thể, vùng biển thuộc các ấp Thừa Tiên, ấp Thừa Lợi, ấp Thừa Trung bị biển xâm thực một đoạn dài trên 5 km, chỉ trong 4 mùa gió chướng qua (từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm), đã có trên 22 ha đất bị mất, ảnh hưởng đến đời sống của gần 100 hộ dân.

Bài và ảnh: Trần Thị Thu Hiền
Làm giàu từ những  sản vật biển khơi
Làm giàu từ những sản vật biển khơi

Từ hai bàn tay trắng với đôi gánh hàng rong trĩu nặng trên vai, chị Võ Thị The (55 tuổi), khu phố 1, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã vươn lên làm giàu từ những sản vật của biển khơi, qua đó phát triển kinh tế gia đình và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn khác vươn lên trong cuộc sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN