Ông Nguyễn Bá Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết, mưa lớn ở thượng nguồn ngày 10/11 khiến nước lũ ồ ạt đổ về, nước sông Hà Thanh vượt báo động 3 khiến 212 căn nhà bị ngập nước; 1 căn nhà bị sập hoàn toàn, 8 nhà bị tốc mái; 6 con bò và 1.750 con gia cầm bị lũ cuốn trôi.
Theo ông Đẩu, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua đã xảy ra hàng chục vụ sạt lở nghiêm trọng ở các xã Canh Liên, Canh Hòa, Canh Vinh và thị trấn Vân Canh, nhiều tuyến giao thông liên thôn, liên xã đã bị chia cắt, người dân đi lại rất khó khăn. Chính quyền địa phương đang huy động lực lượng, phương tiện để dọn dẹp khối lượng đất đá sạt lở, đồng thời bồi đắp tạm đá hộc tại các mố cầu bị lũ cuốn, nối lại giao thông cho người dân đi lại.
Trong khi đó, các đoạn sông ở các xã Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Ân Thạnh của huyện Hoài Ân bị sạt lở nặng với chiều dài gần 3.000 m. Các tuyến đường giao thông nội đồng tại các xã Ân Hữu, Ân Nghĩa, Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông bị sạt lở nặng, với tổng chiều dài 2.125 m. Các tuyến đường giao thông liên xã của huyện Hoài Ân cũng bị mưa lũ gây xói lở nặng, với chiều dài 1.270 m; hơn 2.100 m kênh mương bị sạt lở, bồi lấp; hàng trăm căn nhà ở các xã Ân Hảo Tây và Ân Hảo Đông bị ngập sâu trong nước lũ.
Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc cho biết, ngay sau khi lũ rút, huyện chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương kiểm tra, thống kê thiệt hại, đồng thời giúp dân dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả, giải phóng những tuyến đường bị sạt lở ở các xã: Bok Tới, Đắk Mang, Ân Hữu, Ân Nghĩa để người dân đi lại. Những đoạn đường bị sạt lở mố cầu nặng, huyện Hoài Ân đã đổ đất và cắm biển cảnh báo, không cho người dân qua lại.
Ngành y tế địa phương tiến hành công tác xử lý môi trường, vệ sinh tiêu độc, khử trùng phòng ngừa dịch bệnh, nhất là xử lý các giếng bị ngập nước để người dân có nguồn nước sử dụng. Trong ngày 11/11, UBND huyện Tuy Phước đã huy động khẩn cấp nhiều lực lượng gia cố tạm 20 m đê sông Luật Lễ bị sạt lở bằng bao cát để ngăn nước lũ tràn vào các khu dân cư.
Cũng trong ngày 11/11, Điện lực tỉnh Bình Định đã khôi phục toàn bộ hệ thống lưới điện bị sự cố do ảnh hưởng của bão số 12 và cấp điện trở lại cho 24.200 khách hàng bị mất điện trên địa bàn toàn tỉnh. Theo thống kê, bão số 12 trên địa bàn tỉnh Bình Định đã gây ra 77 sự cố lưới điện, ảnh hưởng tới 1.700 trạm biến áp phân phối, làm mất điện gần 170.000 hộ dân; 35 xã, phường trong toàn tỉnh bị mất điện…
Theo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đợt mưa lũ do bão số 12 đã làm 1 người chết, 2 người bị thương, 3 căn nhà bị sập hoàn toàn và hàng chục căn bị tốc mái. Mưa lũ đã làm 8.572 nhà bị ngập sâu trong nước lũ, trong đó thành phố Quy Nhơn ngập 8.015 nhà; huyện Vân Canh 212 nhà, huyện Phù Cát 295 nhà và huyện Hoài Ân 126 nhà.
Để ứng phó với cơn bão VAMCO, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu các thành phố, huyện, thị xã rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở để di dời dân đến nơi an toàn khi có mưa kéo dài; các huyện vùng cao cần tập kết lương thực, thực phẩm, nước uống để người dân đủ dùng trong nhiều ngày; đồng thời có phương án cung cấp nước sạch cho người dân khi hệ thống nước sạch bị hư hỏng; các địa phương phối hợp với các sở, ngành liên quan tính toán, quy hoạch khu vực tái định cư để di dời những hộ dân hiện đang ở trong vùng nguy hiểm lên chỗ mới an toàn, đồng thời tạo sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống.
Chiều 11/11, tỉnh Bình Định đã ban hành lệnh cấm biển. UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, thị xã Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn chuẩn bị săn sàng các phương án để ứng phó với cơn bão VAMCO, kịp thời tìm kiếm cứu hộ cứu nạn khi tình huống xấu xảy ra.