Hiểm họa cháy 'lơ lửng trên đầu' nhiều địa phương

Tình hình khô hạn khiến nhiều diện tích rừng tràm trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang đứng trước nguy cơ cháy cao. Còn tại Long An, toàn tỉnh hiện có hơn 24.000 ha rừng có nguy cơ cháy ở cấp 5.

Vụ cháy rừng U Minh hạ năm 2010. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau Lê Văn Hải cho biết, tình hình khô hạn khiến nhiều diện tích rừng tràm trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ cháy cao.

Cà Mau hiện có khoảng 30.000 ha trong số trên 43.000 ha rừng tràm đang ở cấp độ dự báo cháy cấp 3 và cấp 4. Cái nóng gay gắt của tháng tư đã đặt nhiều diện tích rừng tràm vào tình trạng nguy hiểm, trong khi nguồn nước dự trữ dưới chân rừng bị bốc hơi gần như toàn bộ, còn nguồn nước dưới kênh, mương đang bị bốc hơi rất nhanh. Nếu tình hình khô hạn kéo dài như những năm trước, công tác phòng chống cháy rừng sẽ càng khó khăn, vất vả hơn.

Ông Hải cho hay, theo dự báo của cơ quan chức năng, mùa khô năm nay có khả năng kết thúc sớm. Tuy vậy, lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và người dân không được chủ quan, phải nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động các biện pháp phòng chống cháy rừng theo kế hoạch, phương án đã được triển khai vào đầu mùa khô.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh huy động khoảng 500 người thuộc lực lượng tại chỗ như cán bộ kiểm lâm, chủ rừng… thường xuyên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, luồn rừng, trực “canh lửa” 24/24h. Nếu phát hiện có xảy ra cháy, người trực canh lửa sẽ báo động khẩn cấp để lực lượng tại chỗ kịp thời dập tắt đám cháy theo phương châm 4 tại chỗ, kiên quyết không để lửa bùng phát, gây thiệt hại lớn.

Ngoài ra, Hạt kiểm lâm các huyện kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân cư ngụ trong lâm phần, ven rừng, cam kết không đốt dọn cây phục vụ sản xuất; không vào rừng khai thác cây rừng và săn bắt trái phép các loài động vật hoang dã, khai thác mật ong nhằm hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng trong mùa khô năm nay.


Ông Lê Hữu Lợi, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An, cho biết, toàn tỉnh Long An hiện có hơn 24.000 ha rừng có nguy cơ cháy ở cấp 5. Phần lớn, rừng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là rừng tràm xen cỏ dại, tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười nên khả năng cháy rất cao.

Nhằm hạn chế tình trạng cháy rừng, ngành kiểm lâm Long An khuyến cáo các hộ dân đang sinh sống khu vực gần rừng thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tại các địa phương có nguy cơ cháy rừng cao, 4 lực lượng là kiểm lâm, công an, quân sự và biên phòng cần phối hợp chặt chẽ trong công tác giữ gìn, bảo vệ rừng. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng; tập trung xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm hại rừng, nhất là phòng ngừa hiệu quả, không để xảy ra cháy rừng trong mùa khô...

Ngoài ra, Long An tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng chống cháy rừng. Các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cháy cao; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng chống cháy rừng. Các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương tổ chức phối hợp tổ chức tập huấn, diễn tập các phương án, xử lý tình huống cháy, cứu hộ nhằm bảo đảm ứng phó và hiệu quả các tình huống cháy rừng xảy ra. Cùng với đó, tỉnh tăng cường trang thiết bị, phương án phòng, chống cháy rừng; đẩy mạnh việc tuần tra, canh gác nhằm phát hiện sớm các điểm cháy rừng để chữa cháy kịp thời.

Mới đây, vào ngày 29/3, trên địa bàn tỉnh Long An đã xảy ra một vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 15ha tràm của các hộ dân tại xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ.

Kim Há- Thanh Bình/TTXVN
Lai Châu chủ động phòng chống cháy rừng mùa nắng nóng
Lai Châu chủ động phòng chống cháy rừng mùa nắng nóng

Than Uyên (Lai Châu) có diện tích đất rừng khá lớn, với 26.758 ha đất có rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên 24.224 ha, diện tích rừng trồng 2.534 ha, độ che phủ rừng đạt 33,76%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN