TIÊU ĐIỂM TRONG NGÀY:

Hành trang cho chủ nhân tương lai xanh

Thế giới đang nỗ lực chuyển đổi xanh nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Quá trình chuyển đổi hướng tới sự phát triển bền vững về môi trường và thân thiện với khí hậu phụ thuộc rất nhiều yếu tố, một trong số đó là kỹ năng xanh của thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của thế giới. Nhận thức được vai trò của thanh thiếu niên trong quá trình chuyển đổi xanh, Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức Ngày Quốc tế thanh thiếu niên (12/8) năm nay với chủ đề: “Kỹ năng xanh cho thanh thiếu niên: Hướng tới một tương lai bền vững” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp các kỹ năng cần thiết để thanh thiếu niên có thể tham gia đóng góp cho sự phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Học sinh Trường THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên tham gia một hoạt động ngoại khóa. Ảnh (tư liệu) minh họa: Bích Huệ/TTXVN

Hiện thanh niên và trẻ vị thành niên đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong lịch sử dân số thế giới, với hơn 50% là người dưới 30 tuổi. Tỷ lệ này dự báo sẽ tăng lên 57% vào năm 2030. Trong khi đó, số người trẻ từ 15-24 tuổi dự báo đạt 1,8 tỷ người vào năm 2030, chiếm 25% dân số thế giới. Các quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ cao thường là các quốc gia đang phải đương đầu với nhiều thách thức về phát triển. Trong cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, thanh thiếu niên là những người bị ảnh hưởng nặng nề hơn và lâu dài hơn so với các thế hệ trước. Biến đổi khí hậu đe dọa 40% số việc làm cần môi trường lành mạnh. Hơn 70% số người trẻ được hỏi mong muốn tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh. Tất cả những điều này cho thấy việc đầu tư cho thế hệ trẻ, đặc biệt là đầu tư phát triển kỹ năng xanh, có thể tạo ra sự thay đổi lớn cho tương lai thế giới.

Kỹ năng xanh được LHQ định nghĩa là những kiến thức, kỹ năng, giá trị và thái độ cần có để sống, phát triển và hỗ trợ một xã hội bền vững và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Những kỹ năng này bao gồm phát triển công nghệ xanh, cải thiện hiệu suất sử dụng tài nguyên, thiết lập các tiêu chuẩn và quy trình nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường, phân loại và tái chế chất thải, tạo giá trị lâu dài cho cả doanh nghiệp và xã hội, xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, quản lý tài nguyên, tạo ra sản phẩm và dịch vụ xanh, giảm khí thải gây ô nhiễm, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo…

Đến năm 2030, chuyển đổi xanh dự kiến sẽ tạo ra 8,4 triệu việc làm cho thanh niên, đòi hỏi thanh niên phải trang bị những kỹ năng cần thiết để đón nhận các cơ hội. Tuy nhiên, theo báo cáo mới của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Chương trình “Thế hệ không giới hạn” (Generation Unlimited) của LHQ và công ty kiểm toán PwC, hơn 60% số người ở độ tuổi 15-24 trên toàn cầu (830 triệu người) sẽ thiếu các kỹ năng mà thị trường lao động cần. Kế hoạch Phục hồi thanh niên Davos Labs năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy hơn một nửa số thanh niên được khảo sát tự nhận họ cảm thấy không đủ kỹ năng để làm việc trong 10 năm tới. Nguyên nhân khiến người trẻ cảm thấy chưa sẵn sàng đón nhận các cơ hội việc làm xanh chủ yếu do họ chưa được tiếp cận đầy đủ những nguồn lực cơ bản như giáo dục và công nghệ. Khoảng 67% số thanh niên trên toàn cầu còn thiếu các kỹ năng số. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đang nới rộng thêm khoảng cách về giáo dục và kỹ năng của thanh niên trên toàn cầu.

Trong bài phát biểu nhân Ngày Quốc tế thanh thiếu niên 2023, Tổng thư ký Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Gilbert F. Houngbo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải trang bị cho người trẻ những kỹ năng xanh, bao gồm cả kỹ năng số. Ông nhấn mạnh, trong thời kỳ chuyển đổi xanh, những kỹ năng này sẽ giúp người trẻ tìm được những việc làm xanh, từ đó góp phần tạo ra một thế giới bền vững hơn cho mọi người và hành tinh.

Theo giới chuyên gia, để đáp ứng những thách thức của quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững hơn, qua đó hướng tới tương lai bền vững hơn, đòi hỏi phải cung cấp các kỹ năng cho thanh thiếu niên thông qua giáo dục và đào tạo. Bằng cách học các kỹ năng mới và nâng cao khả năng nhạy bén với các cơ hội của việc làm xanh, thanh thiếu niên có thể phát triển mạnh mẽ hơn và từ đó tạo ra nhiều cơ hội hơn cho bản thân trong thời kỳ mới. Một khía cạnh khác cần được xem xét là cập nhật chương trình giảng dạy hiện có với kiến thức và nghiên cứu mới về nền kinh tế xanh và tính bền vững. Các trung tâm nghiên cứu và giáo dục đại học trên toàn cầu cần tăng cường hợp tác và trao đổi nhằm đảm bảo cung cấp các tài liệu và giáo trình cập nhật và nhất quán trong lĩnh vực phát triển xanh. Các trường đại học cũng cần bắt kịp sự năng động và thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động nhằm đảm bảo giáo dục và đào tạo kỹ năng phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Việc tạo ra một thế hệ có nhận thức về môi trường và có những kỹ năng để thúc đẩy nền kinh tế xanh và bền vững sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc sử dụng số hóa. Với việc áp dụng các công nghệ mới, thanh niên có thể cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới trong lĩnh vực xanh, đồng thời kết nối với nhau xuyên biên giới để chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm.

Việc bổ sung cho thanh niên các kỹ năng xanh và kỹ năng số sẽ giúp các quốc gia củng cố các chương trình nghị sự bền vững và định hình nền kinh tế bền vững, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách kỹ năng hiện có trong giới trẻ.

Việt Nam cũng đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, với sự tham gia đóng góp của nhiều ngành nghề, tạo ra nhu cầu lớn về việc làm “xanh” và kỹ năng “xanh” trên thị trường lao động. Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Việt Nam (VGGS) giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, cùng với các chính sách về việc thực hiện các SDG, đưa ra định hướng cho việc lồng ghép một cách có hệ thống giáo dục vì sự phát triển bền vững (EDS) vào tất cả các cấp của hệ thống giáo dục quốc dân. Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020 cũng đề ra các nhiệm vụ nhằm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực xanh.

Sắp tới, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 từ ngày 14 -18/9 tại Hà Nội với sự tham gia của hàng trăm nghị sĩ trẻ đến từ 173 quốc gia thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU). Hội nghị diễn ra với chủ đề: “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Hội nghị được kỳ vọng là diễn đàn để thanh niên nói lên tiếng nói của tuổi trẻ, đề xuất, đóng góp các ý kiến cho một tương lai phát triển bền vững.

Thanh thiếu niên là thế hệ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng mà thế giới phải đối mặt ngày nay, đồng thời, họ cũng là những người có thiện chí, quyết tâm và năng lực cao để mang lại những thay đổi và cải tiến tích cực. Có thể nói, thanh thiếu niên là nguồn nhân lực tiềm năng của thế giới trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát triển bền vững. Trước những thách thức về biến đổi khí hậu gia tăng, rõ ràng, thanh niên cần được trang bị những “hành trang” cần thiết cho thời kỳ mới. Bởi hơn ai hết, họ là những nhân tố nòng cốt để định hình tương lai xanh cho nhân loại.

Phan An  (TTXVN)
Đầu tư vào kỹ năng cho thanh niên để hướng tới kinh tế xanh bền vững
Đầu tư vào kỹ năng cho thanh niên để hướng tới kinh tế xanh bền vững

Ngày 12 tháng 8 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế Thanh niên với nhiều hoạt động thường niên trên toàn cầu nhằm khẳng định vị trí, tầm quan trọng, phát huy vai trò của thanh niên trong quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định tại địa phương, quốc gia, khu vực và cấp độ quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN