Hà Nội phát hiện nhiều cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm

Chiều 13/4, UBND thành phố Hà Nội và Bộ Y tế đã có buổi làm việc về kết quả triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại thành phố Hà Nội, theo Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế phối hợp với thành phố Hà Nội làm việc với phường Trung Liệt, quận Đống Đa về tiến độ thí điểm Thanh tra chuyên ngành An toàn thực phẩm. Ảnh: Tuyết Mai-TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện chủ động, tích cực triển khai bài bản, có biện pháp phù hợp để triển khai hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.   
 
Tháng 11/2015, UBND thành phố đã ban hành quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận, huyện, thị xã và 10 xã, phường, thị trấn trong vòng 1 năm (từ 15/11/2015 đến 15/11/2016). Đến nay, đã có 774 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được thanh, kiểm tra, phát hiện 249 cơ sở vi phạm, bị xử phạt với tổng số tiền gần 240 triệu đồng, 2 cơ sở bị buộc đóng cửa, 159 cơ sở bị nhắc nhở.  
 
Các quận, huyện, xã phường đã tích cực triển khai các nội dung theo hướng dẫn trên cơ sở đặc thù từng địa bàn, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến thanh tra chuyên ngành và các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. 100% quận, huyện, xã, phường và thị trấn đã triển khai hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở vi phạm theo quy định. Công tác giám sát lại số cơ sở được thanh tra cho thấy các cơ sở đã có ý thức tốt hơn trong việc chấp hành các quy định của nhà nước về an toàn thực phẩm.   
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bất cập còn tồn tại trong quá trình triển khai thí điểm. Cụ thể là: số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ, lẻ, thường xuyên biến động. Tình trạng chợ cóc, chợ tạm gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm hành chính. Do lần đầu triển khai thanh tra an toàn thực phẩm tại tuyến phường, thị trấn nên cán bộ còn lúng túng, số cơ sở thanh tra còn ít. Thêm vào đó, cán bộ xã, phường phải kiêm nhiệm nhiều công việc cùng lúc nên việc tổ chức các cuộc thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm khó triển khai thường xuyên; việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả kinh doanh tại các chợ, điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn...
 
Ông Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là hết sức quan trọng vì thực phẩm bẩn sẽ ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe con người. Thời gian gần đây, liên tiếp các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các thực phẩm không an toàn bị lôi ra ánh sáng khiến dư luận, nhân dân hết sức bất bình và lo lắng. Do đó, thời gian tới, Sở Y tế cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tiếp tục tập trung triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát đã được thành phố phê duyệt. Sau 6 tháng cần tổ chức đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm và có giải pháp phù hợp. Các quận, huyện, xã, phường tiến hành thanh tra theo kế hoạch và tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các đối tượng, cơ sở trọng tâm, địa bàn trọng điểm như các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh rau thịt và dịch vụ thức ăn đường phố. Tăng cường số đoàn và tần suất thanh tra, kiểm tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Tổ chức thông báo rộng rãi trên loa truyền thanh phường, xã, quận, huyện các cơ sở, cá nhân kinh doanh thực phẩm vi phạm hoặc không đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm.    
 
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao kết quả mà thành phố Hà Nội đã đạt được trong thời gian thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Hà Nội và Hồ Chí Minh là hai địa phương trong cả nước thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Trên cơ sở những đánh giá từ thực tiễn tại hai địa phương, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ để quyết định triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn quốc. Do đó, kết quả công tác triển khai thực hiện thí điểm tại hai địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng.    
 
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối hiện nay, nhất là các thành phố tập trung dân cư đông đúc như Hà Nội. Vì vậy, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tăng cường thanh tra, kiểm tra có báo trước và cả đột xuất các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm; thông tin, cảnh báo các cơ sở không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trên các phương tiện truyền thông đại chúng hay hệ thống loa phát thanh ở các phường, xã, quận, huyện...   
 
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, cấp chứng chỉ về "Lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm" cho cán bộ, công chức xã, phường làm nhiệm vụ lấy mẫu thực phẩm. Bên cạnh việc hướng dẫn, đào tạo cán bộ thanh tra chuyên ngành, Bộ Y tế cũng sớm thống nhất mẫu trang phục cho cán bộ thanh tra chuyên ngành giúp việc thanh tra phát huy hiệu quả tốt hơn.
 
PV
Liên tiếp phát hiện thực phẩm bẩn tại Nghệ An
Liên tiếp phát hiện thực phẩm bẩn tại Nghệ An

Những ngày gần đây, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, từ dấm axit, hóa chất vàng măng đến tẩy trắng quẩy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN