Hà Nội: Nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, thưởng dịp Tết

Để nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, tiền thưởng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống công nhân lao động trong các doanh nghiệp.

Để nắm bắt kịp thời tình hình tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động trong doanh nghiệp phục vụ công tác quản lý Nhà nước, nhất là trong dịp giáp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, Liên minh hợp tác xã Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống công nhân lao động trong các doanh nghiệp; chủ động các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, bảo đảm việc làm cho người lao động trên địa bàn. 

Chú thích ảnh
Công nhân hăng say lao động sản xuất sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Ảnh tư liệu: Minh Nghĩa/TTXVN

Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình quan hệ lao động và tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động và sử dụng lao động.

Cùng với việc triển khai các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động, đình công có thể phát sinh trước, trong và sau dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025, các đơn vị kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ các bên đối thoại, thương lượng, thỏa thuận sớm giải quyết vụ tranh chấp lao động, đình công phát sinh, không để kéo dài, lan truyền giữa các doanh nghiệp gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị trên chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phối hợp, trao đổi với tổ chức Công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận. Đồng thời, xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024 theo Điều 104 Bộ luật Lao động và thông báo cho người lao động trong doanh nghiệp biết.

Cụ thể, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm, chỉ đạo việc khảo sát, nắm bắt tình hình tiền lương, nợ lương năm 2024; kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh và tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp dịp Tết năm 2025. Các doanh nghiệp Nhà nước 100% vốn điều lệ do UBND thành phố Hà Nội quản lý tổng hợp, báo cáo tình hình tiền lương, tiền thưởng, tình hình nợ lương.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch tặng quà tới các đối tượng hưởng chính sách, người có công; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; hộ nghèo; hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi tặng quà các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, đơn vị thực hiện chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thành phố chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, đảm bảo mục tiêu quan tâm tốt hơn đến đời sống, vật chất tinh thần cho người hưởng chính sách thuộc lĩnh vực người có công; gia đình diện hộ nghèo; hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; các tổ chức, cá nhân tiêu biểu; cán bộ trực Tết Nguyên đán và đối tượng tại các Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, chữa trị tập trung trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bệnh viện 09 - Sở Y tế, đảm bảo chính sách an sinh xã hội.

Do đó, thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc thăm hỏi, tặng quà đảm bảo đúng đối tượng, đầy đủ chế độ chính sách, kịp thời; huy động tối đa các nguồn lực xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú mang lại hiệu quả thiết thực nhằm chăm lo tốt hơn đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo mọi người dân đều có Tết.

Các Sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thăm hỏi, tặng quà đảm bảo đúng chính sách, đúng đối tượng, công khai, dân chủ; chủ động phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, trục lợi chính sách, chi trả tặng quà không đầy đủ theo quy định. Tổng số quà tặng (dự kiến) là hơn 1,1 triệu suất, với tổng kinh phí khoảng hơn 567 tỷ đồng.

Nhân dịp này, thành phố tặng quà 83 đơn vị, mỗi suất quà trị giá từ 6 triệu đồng đến 16 triệu đồng; tặng 150 suất quà cá nhân tiêu biểu, mỗi suất 6 triệu đồng (tiền mặt 5 triệu đồng, túi quà 1 triệu đồng); tặng quà (bằng tiền mặt) 500.000 đồng/người. Ngoài quà tặng của thành phố, các địa phương tùy vào điều kiện và khả năng thực tế có thể có các cơ chế chính sách hỗ trợ các gia đình chính sách xã hội khó khăn trên địa bàn quản lý, bảo đảm các đối tượng đều có Tết.

Linh Khánh (TTXVN)
Siêu thị Hà Nội ngập tràn hàng hóa, giỏ quà Tết chỉ từ 99.000 đồng
Siêu thị Hà Nội ngập tràn hàng hóa, giỏ quà Tết chỉ từ 99.000 đồng

Để kích cầu tiêu dùng trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, các siêu thị ở Hà Nội đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm hàng hóa Tết với mẫu mã đa dạng, bắt mắt, cùng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN