Việc chuyển từ hình thức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện sang đóng BHYT theo hộ gia đình còn nhiều bất cập về thủ tục hành chính, gây khó khăn cho người dân muốn tham gia bảo hiểm.Chưa dễ tiếp cậnTheo ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), BHYT theo hộ gia đình, khi kiểm tra việc triển khai tại địa phương, cơ quan chức năng đã nhận được rất nhiều ý kiến của người dân phàn nàn về những phiền hà của thủ tục hành chính mới; trong đó phức tạp nhất là khi người dân muốn tham gia BHYT phải chứng minh được sự tham gia BHYT của từng thành viên gia đình, có xác minh tạm vắng đối với người đang đi công tác, du học, làm việc ở nước ngoài; xác nhận tạm vắng đối với người có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú tại thành phố nhưng chuyển đến nơi khác làm việc, sinh sống...
Người dân thanh toán BHYT.Ảnh: CTV |
Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Ngọc Khang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) hiện chưa mua được BHYT do người con trai đang làm việc tại Hà Nội không tham gia mua theo hộ gia đình. “Chính quyền địa phương có giải thích triển khai theo quy định mới phải mua BHYT cả gia đình, những người không mua phải có giấy tờ chứng minh tạm vắng hoặc đã mua BHYT tại nơi khác. Thủ tục hành chính này sẽ rất khó cho những gia đình có người đi làm ăn xa”, ông Khang cho biết.
“Đối với những lao động tự do đang làm việc thành phố, muốn đăng ký mua tại nơi cư trú sẽ gắn liền với với chủ nhà trọ trong khi không phải tất cả những lao động tạm trú tại khu nhà trọ đó muốn tham gia BHYT. Còn nếu mua ở quê thì mỗi lần khám bệnh lại phải về quê khám cho đúng tuyến. Như vậy sẽ rất phiền phức”, chị Đặng Thị Huyền, quê Nam Định cho biết.
Còn gia đình bà Lê Thị Tiếp, hàng xóm với gia đình ông Nguyễn Ngọc Khang thì mua BHYT cho cả 5 người trong gia đình. Theo quy định, người đầu tiên mua BHYT là 620.000 đồng/năm, những người tiếp theo phải đóng lần lượt là 70%, 60%, 50% và người thứ 5 trở lên phải đóng 40%. “Nếu nhà tôi mua BHYT theo hộ gia đình với 5 người, tính ra là mất gần 2 triệu đồng/năm. Đây là số tiền không nhỏ với gia đình ở nông thôn, vì bằng cả vụ lúa. Do đó, đối với gia đình nông thôn nên đóng theo quý sẽ đỡ “gánh nặng”, bà Tiếp phân trần.
Tạm thời gỡ khóTheo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), BHXH Việt Nam có công văn triển khai việc thu BHYT theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, trong đó bỏ quy định hộ gia đình phải xuất trình bản pho to giấy tạm vắng, giấy ly hôn... mới được mua thẻ BHYT.
“Việc đơn giản hóa thủ tục mua BHYT theo hộ gia đình là việc rất cần thiết bởi hiện nay có nhiều người lao động khu vực nông thôn ra thành phố làm việc. Thủ tục khai báo tạm vắng - tạm trú còn phức tạp như hiện nay sẽ là rào cản trong triển khai BHYT theo hộ gia đình. Do đó, để chính sách BHYT theo hộ gia đình được triển khai trong đời sống, việc đơn giản hóa thủ tục thông qua ứng dụng công nghệ thông tin cần sớm triển khai”, bà Nguyễn Thu Giang, Viện Phó Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) đề xuất.
Trước mắt, BHXH Việt Nam sớm triển khai tập huấn cho đại lý, cho người làm công tác lập danh sách BHYT theo hộ gia đình. Ban Thực hiện Chính sách BHYT phối hợp với Vụ bảo hiểm y tế trình xin ý kiến Thủ tướng việc giao cho trạm y tế xã việc lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình. BHXH Việt Nam và Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình; tăng tỷ lệ bao phủ theo các nhóm đối tượng (cận nghèo, nông dân có mức sống trung bình, người lao động trong các doanh nghiệp, học sinh sinh viên); tập trung chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT thấp dưới 60%...