Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết ngày 31/5, số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trên cả nước là 64,6 triệu người, tăng 2,7 triệu người so với tháng 5/2014, tương đương với độ bao phủ 71,4% dân số.
Để đạt mục tiêu bao phủ của bảo hiểm y tế năm 2015 là 75% toàn dân, từ nay đến cuối năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phải tăng thêm hơn 4% số người tham gia bảo hiểm y tế. “Đây là thách thức rất lớn đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bởi những đối tượng chưa tham gia bảo hiểm y tế chủ yếu là những đối tượng lao động không được quản lý chặt chẽ hoặc thu nhập không ổn định,” ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) nhận xét.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có trên 40% doanh nghiệp còn nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế. Người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông lâm ngư diêm nghiệp có mức sống trung bình vẫn ít tham gia bảo hiểm y tế vì địa phương không có chính sách hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm y tế. Hiện nay, chỉ có 32/63 tỉnh hỗ trợ mức đóng cho người thuộc hộ cận nghèo.
Đến hết tháng 3/2015, số người tham gia bảo hiểm y tế giảm 1,4 triệu người so với tháng 12/2014 thì tính đến hết tháng 5, số người tham gia đã quy trở về tương đương với thời điểm cuối năm 2014. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình tăng tăng 3%.
Để giảm thiểu một số vướng mắc về thủ tục hành chính đối những người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn hướng dẫn giảm thiểu cải cách thủ tục hành chính cho địa phương để thao gỡ việc lập danh sách tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, theo đó khi tham gia mua bảo hiểm y tế hộ gia đình, người dân sẽ không phải photocopy thẻ bảo hiểm y tế của thành viên trong hộ gia đình đã tham gia bảo hiểm y tế, không phải xuất trình giấy tạm vắng, giấy xác nhận ly hôn…
Xuân Cường